Khi 2/3 nguyên liệu dệt may, da giày phải nhập khẩu

(Toquoc) – Trong số nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may, vải có lượng nhập lớn nhất, chiếm 46%. Với ngành da giày, nhập khẩu da tới 65-70%, vải 40%...

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm hơn 6.000 doanh nghiệp và hơn 2,7 triệu công nhân. Tuy nhiên, do tính chất công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, ngành dệt may phụ thuộc máy móc cũng như nguyên phụ liệu gồm: bông, vải, xơ, sợi…nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Cùng với dệt may, da giày cũng là ngành có lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu khá lớn. Nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam tháng 2/2014 tăng 13,5% so với tháng 1/ 2014, đạt trên 73% về kim ngạch, tương đương 306,23 triệu USD.

Hai thị trường chủ đạo cung cấp nhóm sản phẩm này cho Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 2, nhập khẩu phụ liệu này từ Trung Quốc trị giá 80,38 triệu USD, tăng 63,69% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30,38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Đứng sau hai thị trường chủ đạo trên, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ các thị trường: Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Braxin, ItalyẤn Độ…

Da giày cũng là ngành có lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu lớn (Nguồn: Internet)

Chia sẻ với Tổ Quốc, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: “Trong số nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, vải có lượng nhập lớn nhất, khoảng 45%. Các phụ liệu khác hiện chưa có thống kê cụ thể”.

Hiện Vitas cũng đã có công văn gửi các DN đề nghị cung cấp số liệu nhập khẩu nguyên phụ liệu và thuốc nhuộm từ thị trường Trung Quốc năm 2013-2014 nhằm nắm rõ hơn chủng loại, số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường này để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn cung ứng trong nước.

Thực tế, so với những năm trước, nguồn cung cấp vải từ nội địa cũng đã tăng lên, song không đáng kể do giá thành sản xuất còn cao, vì thế giá bán tới doanh nghiệp cao hơn giá nhập khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên cho biết, công ty hiện đang nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là vải. Và trong số đó 2/3 là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi phải tìm đến thị trường Trung Quốc là do thời gian đảm bảo, giá thành lại cạnh tranh. Hơn nữa, việc tìm nguyên phụ liệu không phải do công ty chúng tôi quyết định mà do khách hàng cung cấp, chúng tôi chỉ gia công. 20% nguyên phụ liệu còn lại là do các DN nước ngoài tại Việt Nam, DN nội địa cung ứng, nhưng chủ yếu là vải lót, khuy…”, ông Dương cho Tổ Quốc hay.

Theo các DN, Trung Quốc là công xưởng của thế giới về vải, đây không chỉ là nguồn nhập khẩu chính cho Việt Nam mà còn là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới bởi những ưu điểm về giá, mẫu mã đa dạng và phong phú. Ngoài ra, với Việt Nam, khoảng cách địa lý gần nên chi phí vận chuyển cũng thấp hơn so với việc nhập khẩu từ các nước khác.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn cho biết, việc mua nguyên phụ liệu đầu vào phần lớn phụ thuộc vào khách hàng. Với những DN may theo phương thức gia công, sự phụ thuộc còn lớn hơn vì phần lớn các DN may gia công có quy mô vừa và nhỏ. Họ chưa chuyển đổi sang phương thức mua nguyên liệu - bán thành phẩm (FOB) nên bị phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.

Cùng với dệt may, ngành da giày cũng đang phụ thuộc khá chặt chẽ vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, hiện ngành này chỉ chủ động được 30-35% phụ liệu da, còn lại 65-70% là phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Phụ liệu vải thì nhập khẩu ít hơn, chỉ chưa đến 40% chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và da tổng hợp nhập khẩu trên 50% từ Trung Quốc.

“Trong số các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu, Trung Quốc xếp thứ 6”, ông Diệp Thành Kiệt cho biết.

Từ nhiều năm qua, giày Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Vì thế, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam từng nêu quan điểm, chỉ khi ngành phụ liệu phát triển thì ngành sản xuất mới phát triển tốt. DN các nước có ngành phụ trợ phát triển tốt khi đi đầu tư ra nước ngoài họ luôn tạo áp lực cho DN tại nơi họ đến.

Việt Nam hiện đang nằm trong hai phân khúc giữa của chuỗi sản xuất da giày là nghiên cứu phát triển và sản xuất. Những năm gần đây, ngành da giày luôn tăng trưởng 15 - 20%/năm. Thực tế, không chỉ da giày, may mặc mà rất nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đang có triển vọng. Chỉ cần làm chủ được công nghệ, quy trình, và hội nhập sâu vào các chuỗi sản xuất thì sẽ có rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng xuất khẩu./.

Kỳ sau: Chủ động tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/125222/23-nguyen-lieu-det-may-da-giay-phai-nhap-khau.aspx