Khát vọng từ nơi in đậm dấu chân Người

Trường Dục Thanh, nơi in đậm dấu ấn Bác dừng chân dạy học. Sau đó, ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, với tên gọi mới Văn Ba, người thanh niên yêu nước đã xuống tàu La Touche Tresville, mở đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước với ý chí, nghị lực mãnh liệt và tình yêu thương dân tộc sâu sắc. Người quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Khát vọng từ nơi in đậm dấu chân

Càng đi, tầm nhìn mở rộng, trong Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh càng đau đáu dâng lên nỗi niềm của người dân mất nước. Cuộc hành trình vĩ đại ấy kéo dài suốt 30 năm, đi qua 4 châu lục với gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.

Sự nghiệp cách mạng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu từ cuộc hành trình vĩ đại để thực hiện khát vọng khi ra đi tìm đường cứu nước, nhiều lúc chỉ một mình vượt qua bao thử thách, với niềm ham muốn tột bậc: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Tấm gương Bác luôn thôi thúc và khơi dậy ý chí, khát vọng cho thế hệ người Việt Nam, tỉnh Bình Thuận hôm nay và mai sau.

Bài học và ý nghĩa từ sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đó là bài học khơi dậy ý chí, khát vọng về một quê hương, đất nước độc lập, tự do đối với mỗi người dân Việt Nam; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận trên con đường biến khát vọng đó đưa quê hương, đất nước sánh vai với các nước trở thành hiện thực trong thế kỷ 21.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào là nơi in đậm dấu chân Người và ý thức trách nhiệm sâu sắc nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Ảnh tư liệu: Đ.Hòa

Với sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Bác với Tổ quốc, với dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Bình Thuận xứng đáng là nơi in đậm dấu chân Bác, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân tỉnh Bình Thuận trong việc học tập và làm theo gương Bác.

Từ đó, khơi dậy tinh thần, ý chí và khát vọng trong mỗi người dân trong tỉnh thực hiện cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận giàu đẹp, văn minh” là để thu hút trí tuệ toàn dân hiến kế, đề xuất ý tưởng mới, giải pháp mới, đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý, nguồn nhân lực… với ý chí, khát vọng đưa tỉnh Bình Thuận vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình cao theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV của tỉnh.

Giá trị và bài học từ nơi in đậm dấu chân Người trước khi rời Tổ quốc có thể và luôn dành cho cá nhân hoặc tập thể, cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận; là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” đó là tinh thần, ý chí, khát vọng xây dựng quê hương Bình Thuận trong giai đoạn mới. Nếu năm xưa, Bác Hồ từng chịu cảnh đau đớn khi mất nước mà quyết tâm tìm được con đường cứu nước. Thì ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận phải suy nghĩ, trăn trở về địa phương giàu tiềm năng nhưng vẫn còn là tỉnh nghèo - nên trong nhận thức, hành động phải khơi dậy tinh thần, ý chí, khát vọng ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi doanh nghiệp, trong cộng đồng sự đồng tâm, đồng lòng, phải nỗ lực thật nhiều hơn nữa để làm giàu cho quê hương. Đó là, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển kinh tế biển; ưu tiên phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Cùng với đó là các khâu đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác, phát triển.

Chúng ta - những thế hệ nối tiếp phải có bổn phận ra sức học tập, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện trên nhiều góc độ để đánh giá hết tầm vóc, giá trị và thực hiện khát vọng ấy của Người, không chỉ để tôn vinh công lao của Bác với Tổ quốc, dân tộc mà hơn thế nữa là học tập, noi gương, làm theo gương Bác Hồ, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước cường thịnh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các cột mốc cụ thể vào năm 2030, năm 2045.

Nhìn lại và suy ngẫm về giá trị bài học 110 năm Bác Hồ dừng chân dạy học và ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng vững tin vào những tiền đề quan trọng ngày mai đất nước Việt Nam và tỉnh Bình Thuận vững bước đi xa với khát vọng và ý chí quật cường, truyền thống cách mạng và vững tin một lòng với Đảng! Nhưng để đi đến đích, cần sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng, với quyết tâm và khí thế mới của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh trong vai trò, vị trí dấn thân thực hiện nhiệm vụ và khát vọng của mình, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đề ra, từ đó xây dựng tỉnh Bình Thuận ngày càng giàu đẹp.

Dụng Văn Duy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/khat-vong-tu-noi-in-dam-dau-chan-nguoi-138092.html