Khát vọng phụng sự quê hương

Luôn tràn đầy tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, đó là nét riêng của Nguyễn Hữu Hoàng mà khó ai phủ nhận. Chàng trai sinh năm 1993 này còn khiến nhiều người cảm phục bởi hành trình nỗ lực bền bỉ vì khát vọng phụng sự quê hương.

Hoàng hiện là nghiên cứu sinh diện học bổng Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Trước khi sang Nga, anh đã nhiều năm là giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển tại Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trong hơn 5.000 du học sinh Việt Nam học tập tại xứ bạch dương, Hoàng là nghiên cứu sinh đầu tiên ở Đại học Xã hội quốc gia Nga. Anh bắt đầu chinh phục cột mốc lấy bằng tiến sĩ ở Moscow từ năm 2020. Tuy có nền tảng học thuật, nghiên cứu khoa học vững chắc trước đó nhưng chương trình đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Nga không hề dễ dàng nếu người học thiếu bản lĩnh và quyết tâm.

Giờ đây, khi còn chưa đầy một năm sẽ đến ngày bảo vệ luận án, nhìn lại quãng thời gian qua, Hoàng rút ra được những bài học quý giá mà anh tin là góp phần quan trọng quyết định mình là ai hôm nay và mai sau. Thứ nhất, mục tiêu chính là ngọn hải đăng soi đường. Thứ hai, sự chuẩn bị chu đáo. Thứ ba, phải cố gắng vượt khó với niềm tin và sự lạc quan. Thứ tư, nắm bắt mọi cơ hội, dù là nhỏ nhoi, để hoàn thiện và phát triển bản thân. Thứ năm, phải dũng cảm đối diện khó khăn và quan trọng là tìm giải pháp. Cuối cùng, phải biết học và biết hỏi.

Nhớ lại giai đoạn đầu trang bị thêm tiếng Nga bên cạnh vốn tiếng Anh có sẵn, Hoàng học với cường độ cao, có ngày gần kiệt sức. Môi trường và phong cách giáo dục nhiều khác biệt, khối lượng kiến thức hàn lâm "nặng ký", chưa kể các yếu tố khách quan như sự xáo trộn đời sống khi đến nơi chốn xa lạ cách TP HCM hơn 7.700 km…, song anh không cho phép mình bỏ cuộc khi đã xác định rõ đích đến.

Nguyễn Hữu Hoàng miệt mài tự nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia Nga mang tên V. I. Lênin

Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng để nắm bắt, phát huy tối đa khả năng của nguồn tài nguyên con người, tránh "chảy máu chất xám" thì Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến điều kiện "cứng" - lương bổng, cơ sở vật chất... - lẫn điều kiện "mềm" - sự đối đãi, môi trường làm việc...

Mặt khác, mỗi cá nhân cần phát huy vai trò của mình trên từng cương vị công tác, xem đó là vinh dự, trách nhiệm, là sứ mệnh của người trí thức, của mọi công dân Việt Nam, để sẵn sàng góp sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tình yêu tri thức và khao khát học hỏi điều mới mẻ đã nhen nhóm trong Hoàng từ khi anh còn bé. Sinh ra trong gia đình thuần nông, không có sẵn điều kiện, càng không trông đợi may mắn từ trên trời rơi xuống, anh sớm ý thức chủ động học tập. Chặng đường trưởng thành của Hoàng được tiếp sức bởi sự yêu thương, dìu dắt của cha mẹ, thầy cô và anh luôn dốc hết sức để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình từng chút một.

Năm 18 tuổi, khi đang học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, Hoàng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trước đó, Hoàng đã "giắt túi" kha khá thành tích học tập, nổi bật là giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử. Anh là á khoa toàn khóa 2011-2015 và thủ khoa chuyên ngành Hành chính học tại Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP HCM.

Chưa đầy 30 tuổi, Hoàng đã là tác giả và đồng tác giả hàng trăm bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, các tham luận hội thảo quốc tế; góp sức vào nhiều tập bài giảng, sách chuyên khảo, tham khảo... Số lượng và chất lượng các công trình của anh phản ánh thái độ lao động hết sức nghiêm túc và niềm đam mê mãnh liệt với lĩnh vực đang theo đuổi.

Năm 2019, Hoàng tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II của Trung ương Đoàn. Sự kiện này quy tụ 236 trí thức trẻ đang học tập, nghiên cứu, làm việc trong và ngoài nước. Cơ duyên gặp gỡ, kết nối với nhiều bạn trẻ tài năng, tâm huyết càng củng cố quyết tâm đi tìm chân trời tri thức của anh.

Đi để học, trải nghiệm, tích lũy hành trang cho tương lai trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, đòi hỏi Hoàng phải có sự thích ứng nhạy bén, linh hoạt mới giữ được cân bằng thể chất - tinh thần, học tập hiệu quả. Sự ủng hộ, tin tưởng của người thân, lãnh đạo và đồng nghiệp, đồng môn... đóng vai trò quan trọng tạo nên động lực cho anh.

Một "người bạn" lớn nữa luôn đồng hành với Hoàng là Đoàn Thanh niên. Anh bén duyên Đoàn từ cấp III, lên đại học, về cơ quan công tác và cả khi qua Nga. Đoàn là cái nôi giúp Hoàng nuôi dưỡng hoài bão, rèn luyện và là nơi anh cống hiến nhiều tâm sức. Anh nhắc về những điều ấy bằng sự trân trọng, biết ơn sâu sắc.

Nguyễn Hữu Hoàng (bìa phải) và các đại biểu tham gia tọa đàm khoa học tại Viện Nghiên cứu Chính trị - Xã hội Liên bang Nga cuối năm 2022

Theo Hoàng, ngày nay "thế giới phẳng", nhiều bạn trẻ đi học ở nước ngoài không còn quá nặng nề vấn đề "về hay ở lại". Anh tin rằng miễn là "có lòng, có dạ", luôn suy nghĩ và trăn trở về trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với quê hương, luôn mong muốn đem lại sự đổi khác tích cực cho đất nước thì con tim và lý trí sẽ dẫn lối để ta đến được nơi cần mình nhất và ta thấy mình thuộc về nhất.

Hoàng tâm sự: "Được tạo điều kiện đi học, tôi quyết tâm học thật tốt, lĩnh hội nhiều cái tinh túy nhất, hay nhất… để mang về phục vụ công việc, đáp ứng kỳ vọng của cơ quan, thậm chí phải ý thức đóng góp, làm phong phú hơn cho ngành mình được đào tạo".

Tinh thần trọng hiền tài, "chiêu hiền đãi sĩ" là truyền thống, là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước lâu nay. Qua đó, những bạn trẻ có thực lực, có khát vọng cống hiến như Hoàng càng thêm vững tin vào con đường của mình.

Thực tế, bằng trải nghiệm và quan sát, Hoàng nhận thấy rõ nhiều du học sinh Việt Nam tại Nga, trong đó có anh, được nhận những chế độ hỗ trợ, sự quan tâm sát sao của Nhà nước ta, dù đã có học bổng của nước sở tại. Nhờ vậy, anh càng an tâm tập trung vào việc học hành, nghiên cứu.

Bao ngày lội tuyết ướt lạnh, từng đêm dài thao thức sách đèn, những trưa vắng vùi mình trong hàng tá tài liệu ở thư viện và đủ thách thức nơi xứ người... không thể khiến Hoàng nản lòng, bởi trong anh luôn có một kim chỉ nam then chốt, như một "tiếng gọi trở về". Anh trân quý và có nhiều hạnh phúc trong những năm tháng ở Nga nhưng tình yêu, sự gắn bó với Việt Nam quá lớn lao.

Thường trực trong tâm trí Hoàng là ấp ủ nhiều dự tính, kế hoạch đem những giá trị mình gặt hái được để về truyền thụ, sẻ chia; để thực hiện bao dự án nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam, ở Học viện Chính trị; để khẳng định và đóng góp sức trẻ cho đất nước. Anh mang tâm thế không chỉ ước mơ mà còn dấn thân hành động và trang bị ý chí tự học - học suốt đời.

Hoàng đặc biệt chú ý đến hình mẫu "hiền tài" hơn là "nhân tài". Theo anh, người vừa có học thức, năng lực chuyên sâu vừa có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bản tính hiền lương luôn là rường cột của quốc gia.

BẢO NGỌC - LƯƠNG MINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khat-vong-phung-su-que-huong-196240206101437889.htm