Khát vọng đổi đời cùng cây 'đặc sản' trên đất Quế Phong

Là huyện biên giới, quanh năm sương mù bao phủ, đất và người Quế Phong luôn được coi là 'mảnh đất nghèo' của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ khi người dân biết đẩy mạnh trồng giống cây 'đặc sản' của quê hương, đời sống kinh tế bắt đầu khấm khá, tương lai tươi sáng rõ dần ở các bản làng heo hút chốn thâm sơn cùng cốc...

Thế mạnh cây quế trên đất Quế Phong

Huyện biên giới Quế Phong hiện nay có khoảng 75.000 người, với 188.842,91ha diện tích, trong đó chủ yếu là đồi núi. Địa hình huyện miền núi Quế Phong đa dạng, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, khí hậu tương đối ôn hòa. Khác với các khu vực khác ở tỉnh Nghệ An, ở huyện Quế Phong không hề có thời gian “khát mưa” như những khu vực khác.

Nhờ có địa hình và khí hậu thuận lợi, Quế Phong được xem là “vựa rừng” của tỉnh Nghệ An. So với trung bình về diện tích rừng, Quế Phong được xem là một trong 3 huyện có trung bình về độ che phủ lớn nhất Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung (chiếm 77,47%).

Thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi không chỉ cây rừng phát triển mà các loại cây trồng khác cũ cũng rất dễ “bén duyên” với mảnh đất Quế Phong, đặc biệt là cây quế.

Người dân xã Mường Nọc, huyện Quế Phong thu hoạch quế.

Ông Hà Văn Hùng (70 tuổi) trú tại bản Long Thắng (ngày xưa là bản Na Xai cũ), xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong kể lại, nói đến cấy quế, mảnh đất Quế Phong là nơi thích hợp nhất để phát triển giống cây này. Từ ngày ông còn nhỏ đã bắt đầu biết đến giống cây quế.

Ở quê hương ông Hùng, khi còn tuổi đôi mươi ông đã thấy những cây quế to đến hơn 1 người ôm không xuể. Có điều, do không có người mua nên những cây quế của quê hương ông lớn lên mịt mù tương lai như chính cuộc sống của người dân bản Na Xai vậy.

“Khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, từ ngày có đường đi thuận lợi vào tận thôn bản, các thương lái bắt đầu thu mua, giá quế cũng tăng lên từng mùa là thời điểm người dân bắt đầu đẩy mạnh trồng cây quế. Tuy vậy, do việc phát triển chưa đồng bộ, chính sách chưa rõ ràng nên mới chỉ phát triển ở một vài hộ dân và diện tích cũng không lớn lắm”, ông Hùng nói.

Giờ đây, ông Hùng không còn lên rừng đều đặn như ngày xưa nữa, nhưng ngồi ở bản ông vẫn được kể về những cánh rừng quế bạt ngàn đang sinh sôi nảy nở trên chính mảnh đất ông sinh ra và lớn lên.

Trong những năm gần đây, ở mảnh đất Quế Phong, cây quế không còn “cô đơn” như ngày xưa, các cấp chính quyền và cơ quan chức trách đã bắt đầu chung tay, đồng hành cùng người dân để phát triển giống cây này. Đặc biệt, nói đến mảnh đất Quế Phong là giống cây quế quỳ.

Hộ dân bản Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong bóc vỏ quế.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho hay, từ năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe được đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội. Giữa hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài.

Tại vườn ươm giống cây Na Chạng có hàng chục cây giống mẹ quế quỳ đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để nhân giống. Trạm trưởng Ngô Xuân Hải cho biết, hiện vườn ươm Na Chạng đang có trên 10 vạn cây quế giống hơn 4 tháng tuổi. Cây giống khi đến 1 năm tuổi là sẽ bắt đầu cung ứng cho người dân trồng.

Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì người dân ở nhiều xã như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Châu Kim, Nậm Giải… đã trồng được gần 300 héc ta cây quế. Diện tích nói trên sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng trong tương lai gần.

“Quế quỳ là cây đặc sản, tinh dầu quế của quế quỳ có các thông số vượt trội so với các giống quế ở các địa phương khác. Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế còn được dùng làm đồ mộc gia dụng. Ngoài ra, do có tán lá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Vì thế, cây quế là cây đa mục đích không chỉ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo mà kỳ vọng sẽ là cây làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quế Phong”, ông Nguyễn Văn Sinh đặt kỳ vọng.

Những cánh rừng ngát xanh màu quế

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cùng đồng nghiệp dẫn chúng tôi vào bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Bản làng nằm cách cửa khẩu Thông Thụ giáp biên với nước bạn Lào chỉ chừng 15km. Nơi đây có 50 nóc nhà của người dân đồng bào Thái sinh sống. Na Hướm hiện nay được xem là “vựa quế” của huyện Quế Phong với khoảng 70ha quế.

“Dân bản ở đây rất khoái trồng cây quế. Trước đây, đã có thời họ nói “không” với loại cây này vì lúc đó giá rẻ, đời sống của bà con lại khó khăn nên họ chuyển sang trồng cây keo vì nhanh chóng được thu hoạch. Thế nhưng, thời gian gần đây sau khi bán keo họ lại chuyển sang trồng cây quế vì những lợi ích kinh tế mà loài cây này mang lại”, anh Mạnh, kể.

Cây quế hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định cho người dân huyện Quế Phong.

Anh Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cây quế trên diện tích hơn 4ha ở bản Na Hứm chia sẻ: “Sau khi vào tái định cư tại bản Na Hứm từ dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp nên quế phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…”.

Cũng theo anh Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như được sự hỗ trợ của Ban về giống cây, kỹ thuật, phân bón… nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế cây keo có nhiều rủi ro gãy đổ do mưa bão, giá trị kinh tế thấp. “Cán bộ hướng dẫn chúng tôi trồng quế, mỗi cây phải cách nhau 3 đến 3,5m; đào hố sâu 20x20cm, không nên bón phân nhiều vì quế là cây có tính chất nóng… có thế cây mới phát triển tốt”, anh Tuấn bật mí về cách chăm sóc quế.

Ngôi nhà sàn anh Lang Văn Châu nằm ở giữa bản Na Hướm, đứng từ ngôi nhà anh có thể trải ánh mắt nhìn xa tít tận những ngọn đồi trải dài bạt ngàn cây quế. Sau khi uống chén rượu “thăm” (tục lễ của người Thái khi khách đến nhà), chúng tôi theo chân anh Châu lên khu vực trồng quế của gia đình anh. Chỉ chừng 10 phút chạy xe máy, cả đoàn đã được tận mắt chứng kiến vườn quế đang sinh sôi nảy nở của gia đình anh Châu. Cánh rừng thoai thoải trải dài bạt ngàn là cây quế và cây quế, những cây quế xanh ngắn thẳng tắp được trồng san sát nhau như thể chúng đang bảo nhau cùng vươn lên.

Anh Lang Văn Châu, tâm sự rằng, trước đây gia đình cũng trồng cây keo, dù trồng keo chỉ từ 5-7 năm là cho thu hoạch nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, hàng rào, chăm sóc…chi phí đầu tư vào rất cao, đặc thù vùng núi cũng hay gió lốc khiến keo bị gãy đổ rất nhiều, năng suất thấp nên thu hoạch không được bao nhiêu.

Từ đó, gia đình anh Châu thấy được những giá trị của việc trồng cây quế nên từ năm 2014 đã bắt đầu trồng 7.000 cây trên diện tích khoảng 2ha.

“Cây quế phát triển rất tốt và thực tế hàng năm đã cho thu hoạch phần tỉa cành, lá bán cho thương lái chiết xuất tinh dầu. Mỗi đợt cắt tỉa cành như vậy cũng bán được vài triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, cây quế chỉ cần trồng vài ba năm là đã có thể cắt tỉa cành để bán, cho thu nhập, vừa để “nuôi” thân cây, cho cây phát triển nhanh hơn. Phần thu hoạch từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế để quay vòng đầu tư phân bón, công chăm sóc và các chi phí đầu tư khác…”, anh Châu phấn khởi nói.

Việc phát triển cây quế trên đất Quế Phong đã được HĐND huyện Quế Phong đồng thuận và đưa vào đề án phát triển kinh tế (2021 – 2025). Trong đề án, cây quế được đầu tư bài bản từ kỹ thuật nhân giống, trồng trọt và chăm sóc hết sức tỉ mỉ và chi tiết. Mỗi khu vực trên địa bàn huyện Quế Phong đều chung tay đăng ký số lượng cây và diện tích trồng cụ thể.

Cây quế ở Quế Phong nổi tiếng với lượng tinh dầu rất cao.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quế Phong, đầu năm 2022, trên toàn huyện có hơn 539ha cây quế. Đến thời điểm hiện nay, cả huyện Quế Phong có hơn 739ha cây quế.

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thông tin, Quế Phong vẫn được xem là huyện nghèo trong cả nước, tuy nhiên, tương lai gần chúng tôi sẽ sớm thoát nghèo nhờ Đảng bộ và nhân dân trên toàn huyện đã nhìn thấy hướng đi đúng, nhiều mô hình, sản phẩm trên địa bàn bước đầu đã tạo sự lan tỏa.

Mặt bằng đời sống của người dân trên toàn huyện đang khởi sắc từng ngày. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển du lịch, chăn nuôi… thì trồng trọt cũng được quan tâm hàng đầu. Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, cây quế là ưu tiên hàng đầu trong phát triển trồng trọt trên mảnh đất Quế Phong chúng tôi.

Hồ Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khat-vong-doi-doi-cung-cay-dac-san-tren-dat-que-phong-a648136.html