Khát năng lượng, lạm phát dâng cao, biến động chính trị, châu Âu đang 'rối như tơ vò'

Việc nữ Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức hôm 20/10 sau chỉ 45 ngày tại vị là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy biến động chính trị sẽ chờ đợi các nhà lãnh đạo châu Âu nếu họ không thể giải quyết được những thách thức của nền kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng đang trầm trọng và làn sóng lạm phát dâng cao.

Chiều cuối tuần, bà Simonetta Belardi (69 tuổi), một phụ nữ đã nghỉ hưu lái xe đến khu chợ ngoài trời ở Rome (Italy) để mua lương thực phẩm cần thiết cho gia đình. “Tất cả mọi thứ đều tăng chóng mặt”, bà Belardi than phiền. Bà cho biết, lạm phát khiến số tiền tiết kiệm của bà vơi đi nhanh chóng khi giá cả đồ ăn, vật dụng, hóa đơn tiền điện nước đều leo thang.

Dù không ủng hộ Nga hay Ukraine nhưng cuộc xung đột giữa hai bên đang ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là lạm phát không ngừng tăng cao. Trước cơn bão giá, nhiều người dân Italy giống như bà Belardi cũng đang cần được cứu trợ về kinh tế và mất dần sự kiên nhẫn. “Người dân Ukraine muốn chúng tôi ủng hộ nhưng chúng tôi đang cảm thấy phát ốm và mệt mỏi”, bà Belardi nói.

Người dân châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng vật giá leo thang từng ngày do lạm phát. (Nguồn: New York Times)

Châu Âu "đau đầu" vì lạm phát

Không riêng Italy, cả châu Âu cũng đang đối mặt với lạm phát. Theo đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, ở con số 10,9% vào tháng Chín, tăng nhiều lần so với mức 3,6% so với cùng thời điểm một năm trước đó.

Khi mùa Đông đến gần, việc châu Âu thống nhất “quay lưng” với năng lượng của Nga khiến nguồn cung khí đốt khan hiếm nghiêm trọng và nhiều gia đình hoang mang lo lắng. Người dân ở nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga của các chính phủ.

Ông Mario Draghi, Thủ tướng vừa mãn nhiệm của Italy cảnh báo nhiều thách thức sẽ xảy đến nếu châu Âu thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về giá nhập khẩu khí đốt thay thế.

Trong một bài phát biểu tại Liên hợp quốc hồi tháng Chín năm nay, ông Mario Draghi chỉ rõ, chi phí năng lượng tăng cao sẽ “đe dọa khả năng phục hồi kinh tế, hạn chế sức mua của người dân và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất. Điều này sẽ làm suy yếu cam kết của các nước dành cho Ukraine”.

Thực tế đó đang đến rất gần khi một loạt các cuộc đình công phản đối chính phủ do chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, đã mở ra một thời kỳ xã hội bất ổn chưa từng thấy tính từ thời điểm những năm 1970.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chính phủ cũng đang cố gắng tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng nhanh nhất có thể. Hiện có đến 67% người Đức lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng - cao hơn 16% so với năm 2021. Đây cũng là nỗi lo lắng hàng đầu của đất nước, bất chấp các gói viện trợ của chính phủ.

Tại các bang miền Đông nước Đức, hàng tuần hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình để chỉ trích giá cả leo thang cũng như lập trường ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột. Tại Leipzig, nơi đã có khoảng 1.300 người biểu tình tập trung ở trung tâm thành phố với lời kêu gọi: “Đất nước của chúng ta trước tiên”.

Anh Daniel Schmal, một thanh niên 23 tuổi, người gần đây đã phải đóng cửa kinh doanh và bắt đầu lái xe cho một ứng dụng chia sẻ xe cho biết: “Căng thẳng kinh tế có thể thấy ở khắp nơi. Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hoặc nhà máy đóng cửa”.

Các nhà chức trách Đức cho biết, gói viện trợ 200 tỷ Euro do chính phủ đề xuất hồi đầu tháng Mười dường như đã xoa dịu phần nào những lo lắng của người dân. Gói hỗ trợ cam kết về mức trần giá điện và khí đốt, cũng như viện trợ trực tiếp cho các gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tại Pháp, một số cuộc thăm dò cho thấy, các cuộc đình công và biểu tình đang gia tăng dữ dội do những lo ngại về mức sống tiếp tục giảm sút. Một nghiên cứu gần đây dự đoán, lạm phát, do giá năng lượng tăng cao, sẽ làm giảm 73 tỷ USD GDP và làm giảm sức mua của Pháp xuống 1,4% trong năm tới, và các hộ gia đình nghèo sẽ bị ảnh hưởng hơn cả.

Hồi tháng Tám, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người dân nước này đối mặt với khó khăn kinh tế như một cách để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine. Dù phần đông người dân đều phản đối Nga nhưng khi được hỏi về việc tiếp tục gồng mình với khủng hoảng để ủng hộ Ukraine thì “số đông vẫn nhiều ý kiến trái chiều và chỉ khoảng 1/3 người dân Pháp đồng ý với chính sách của chính phủ”, Adrien Broche, đồng tác giả của một cuộc thăm dò cho hay.

Chạy đua giải quyết khủng hoảng năng lượng

Theo ông Ahamed Kandil, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram (Ai Cập), châu Âu đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng bằng nhiều cách, bao gồm giảm tiêu thụ điện và khí đốt, đặt giá khí đốt nhập khẩu tối đa, quay trở lại sử dụng than, vận hành các nhà máy điện hạt nhân, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Nhiều người dân châu Âu đã xuống đường biểu tình để chỉ trích giá cả leo thang cũng như lập trường ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột. (Nguồn: Getty)

Để chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng, chính phủ Pháp đang có kế hoạch tái kích hoạt nhiều điện hạt nhân hơn. "Chính phủ Pháp đã quyết định kích hoạt lại năng lượng hạt nhân, vì đây là cách sạch nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất để tạo ra điện. Hạt nhân, thủy điện, than và khí đốt là những thứ có thể kiểm soát được, đồng nghĩa với việc chúng tôi có thể tự sản xuất khi cần”, ông Herve Machenaud, cựu Giám đốc điều hành Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn EDF cho biết.

Tại Đức, Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNetzA) tuần trước thông báo nước này đã đạt được mục tiêu lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước thời hạn lên tới 95%. Tuy nhiên, người phát ngôn của BNetzA nói rằng, điều này là “chưa đủ”. Những tháng gần đây, Đức đã xây dựng các thiết bị đầu cuối cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đưa ra một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, một đường ống dẫn khí đốt sẽ được xây dựng nối bán đảo Iberia với Pháp và phần còn lại của châu Âu. Ông chỉ rõ, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã đồng ý hợp tác trong dự án, dự kiến làm tăng đáng kể khối lượng của hai tuyến liên kết hiện có giữa Tây Ban Nha và Pháp.

Mới đây, Ủy ban châu Âu đề xuất một gói biện pháp mới nhằm cải thiện sự ổn định trên thị trường khí đốt châu Âu, bao gồm việc mua chung khí đốt, tạo ra tiêu chuẩn định giá LNG và gia tăng sự đoàn kết, hỗ trợ nhau về năng lượng giữa các quốc gia thành viên EU.

(theo NYT, Tân Hoa xã)

Huy Trần

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khat-nang-luong-lam-phat-dang-cao-bien-dong-chinh-tri-chau-au-dang-roi-nhu-to-vo-202986.html