Khánh Sơn: Giữ gìn di sản văn hóa truyền thống

Người dân huyện miền núi Khánh Sơn đã và đang tích cực bảo tồn, giữ gìn và phát huy mạnh mẽ vốn di sản văn hóa truyền thống, nhất là của đồng bào Raglai trong cuộc sống thường nhật để những câu dân ca, điệu múa truyền thống và thanh âm các loại nhạc cụ ngày càng lan xa trong lòng bạn bè muôn phương.

Người dân giữ gìn di sản

Sau chuyến thăm rẫy trở về, ông Bo Bo Xuân Tuyên (xã Sơn Hiệp) lại tham gia truyền dạy, tập luyện một số tiết mục văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn trên huyện. Là người nắm giữ, thực hành được nhiều nghi thức cúng bái của đồng bào Raglai, khi được lãnh đạo xã đề nghị tham gia tái hiện lễ cúng đầu lúa mới của người Raglai, ông đã nhận lời và tích cực hướng dẫn cho lớp trẻ trong làng. “Xã và huyện rất quan tâm, tạo điều kiện để tôi và dân làng thực hiện các nghi thức của ông bà để lại, lớp trẻ cũng có nhiều người đi theo học hỏi”, ông Bo Bo Xuân Tuyên cho biết.

Được tham gia đội văn nghệ của huyện là niềm vui đối với anh Bo Bo Thụ (xã Ba Cụm Bắc). Nhờ có giọng hát hay nên chàng trai Raglai này thường biểu diễn các tiết mục ca nhạc. Sau một thời gian tập luyện, biểu diễn, thấy có nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Raglai rất độc đáo nên anh muốn tìm hiểu. “Đàn đá, đàn chapi, mã la, kèn bầu… của đồng bào Raglai rất cuốn hút đối với tôi. Tôi đang học cách đánh đàn đá, nếu thành công tôi sẽ học tiếp các loại nhạc cụ khác. Tôi mong rằng, ngoài tiếng hát, tôi có thể biểu diễn được nhạc cụ để phục vụ người dân, đưa các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh”, anh chia sẻ.

Đồng bào Raglai tham gia tái hiện lễ cúng đầu lúa mới tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 trên địa bàn huyện Khánh Sơn.

Trong những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện xây dựng, tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ, hát sử thi truyền thống nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc. Đến nay, huyện đã tổ chức 6 lớp truyền dạy đánh mã la, 2 lớp sử dụng nhạc cụ đàn đá, 3 lớp học hát sử thi. Huyện cũng tích cực phối hợp, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, làn điệu dân ca, dân vũ, biên dịch một số sách về văn hóa Raglai ở Khánh Sơn; hoàn thành việc chế tác 10 bộ đàn đá để chuyển giao cho các xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện quản lý, sử dụng.

Tạo môi trường diễn xướng

Để các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai phát huy giá trị trong đời sống nhân dân, huyện Khánh Sơn đã tạo những sân chơi, môi trường diễn xướng dân gian phù hợp với từng loại hình. Cụ thể, huyện đã tổ chức các chương trình văn nghệ tuyên truyền phục vụ đồng bào Raglai tại các xã, thị trấn; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân thể hiện những tiết mục, làn điệu dân ca alâu, siri, rutu… và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Huyện cũng thường xuyên tổ chức ghi âm các làn điệu dân ca, sử thi Raglai để phục vụ công tác sưu tầm, giới thiệu và bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống. “Trong năm 2023, huyện tiến hành xây dựng Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch đến năm 2030. Để tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống, huyện đã thực hiện các bước cần thiết nhằm xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở để có nơi sinh hoạt, biểu diễn. Hàng năm, huyện tổ chức từ 3 đến 5 chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật trên địa bàn huyện, cũng như với các đơn vị, địa phương ngoài tỉnh”, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương; thành lập và duy trì ít nhất một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở thôn, tổ dân phố; có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội văn nghệ. Ngoài ra, huyện sẽ chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, trong đó ưu tiên tổ chức các lớp truyền dạy mã la, hát sử thi, chế tác nhạc cụ truyền thống, tổ chức phục dựng các lễ hội văn hóa tiêu biểu của đồng bào Raglai… Với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho nghệ thuật hát sử thi, các làn điệu dân ca Raglai, nhạc cụ dân tộc hy vọng sẽ mang đến sức sống mới cho các loại hình di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/khanh-songiu-gin-di-san-van-hoa-truyen-thong-9570b7a/