Khánh Hòa tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm sau hàng loạt vụ ngộ độc

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Khánh Hòa, liên tiếp xảy ra 5 vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có 4 vụ liên quan đến trường học. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng này.

Sáng 10/4, tình hình sức khỏe của 28 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu tại thị trấn Tô Hạp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã ổn định, 14 em được xuất viện.

Cơm gà được bày bán trước cổng trường ở thành phố Nha Trang

Tính từ đầu năm đến nay, đây là vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm thứ 5 xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, có 4 vụ liên quan 5 trường học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông tại thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Sơn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng. Em Hữu Phú, học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trồi, thành phố Nha Trang vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc em bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn mì gà bày bán trước cổng trường vào cuối tháng 3 vừa qua. Sau khi học xong chính khóa, em phải ở lại để học thêm, trước cổng trường có 3-4 người bày bán cơm gà, cơm chiên, mì gà... Em Phú và nhiều bạn khác ăn vội để vào học thêm, đến đêm về đau bụng dữ dội: "Họ làm đồ ăn sẵn như mì gà và nhiều món khác, bày bán rất nhiều, con thấy không đảm bảo vệ sinh lắm. Con ăn lúc 5h30 chiều, sau khi ăn xong đến tối bị đau bụng, mỏi người, phải nghỉ học. Sau đó con không dám ăn nữa và cũng không thấy quán đó bán nữa".

Hàng chục học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm

Trước đó, ngày 26/1/2024, tại Trường Trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, 23 học sinh bị các triệu chứng mệt, đau đầu, chóng mặt, tê tay chân, buồn nôn, nôn, đau bụng sau vài giờ nghi ăn kẹo Rich Fruity Aroma. Kẹo này không rõ nguồn gốc và không có nhãn mác, được mua trực tuyến qua mạng sau đó bán lại cho học sinh. Hiện tại, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường THCS Phạm Ngũ Lão chưa xác định được nguyên nhân.

Từ cuối tháng 3 đến nay, liên tiếp xảy ra 2 vụ nghi ngộ độc tại thành phố Nha Trang liên quan Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi, Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, Trường Tiểu học Vĩnh Trường... làm 49 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Ngày 09/4 vừa qua, 28 học sinh tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm. Điểm chung các học sinh này đều ăn sáng, ăn chiều tại các điểm bán hàng rong xung quanh trường học. Làm sao để con, em ăn, uống an toàn trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh học sinh ở phường Tân Lập, thành phố Nha Trang mong muốn: "Thấy thức ăn đường phố nguy hiểm nhưng trong trường không bán. 17 h15 phút tan học chính sau đó các con phải vào học thêm nên thường ăn thêm bữa phụ. Sáng ra, có con trong lớp đã bị đau bụng nhưng vẫn cố đi học. Sau đó, phải điện cha mẹ đón về. Tôi rất lo lắng về an toàn thực phẩm quanh trường học".

Hiện nay, các cơ chức năng chưa kiểm soát được mức độ an toàn thực phẩm tại những điểm bán hàng rong trước cổng trường. Những mặt hàng bày bán không rõ nguồn gốc, không ghi nơi sơ chế. Người bán hàng mang đến bày bán trong những thùng, hộp gắn phía sau xe máy rất mất vệ sinh nhưng không thấy ai kiểm tra, nhắc nhở.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm vừa qua tại tỉnh Khánh Hòa là thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quá trình chế biến, lưu trữ thức ăn không bảo đảm vệ sinh thực thực phẩm. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ, rất nhỏ chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của việc lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm sạch, an toàn. Vì vậy, các cơ sở này thường lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức đến kiểm tra, xử lý. Cụ thể, từ ngày 9/4, các Đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh ra quân tổng kiểm tra 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở ăn uống, cơ sở chế biến, các kho lạnh; Kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Bùi Xuân Minh cho biết, các địa phương kết hợp kiểm tra về an toàn thực phẩm với kiểm tra trật tự đô thị đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, bán thức ăn, nước uống trước cổng trường học: "Buôn bán thực phẩm, hàng rong trước cổng trường có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm rất cao. Các cơ sở nhỏ lẻ thuộc phạm vi của UBND cấp huyện, UBND xã, phường quản lý. Cho nên phải tăng cường truyền thông, giáo dục, kiểm tra các cơ sở này. Đặc biệt, không để hàng rong bán trước cổng trường, hàng hóa thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe các cháu".

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khanh-hoa-tang-cuong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-sau-hang-loat-vu-ngo-doc-post1088226.vov