Khẳng định đàn bầu là nhạc cụ độc đáo của người Việt

Ngày 22-11, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo 'Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển, nhằm bổ sung và cập nhật những vấn đề nghiên cứu, trình diễn, giảng dạy đàn bầu trong những thể loại âm nhạc cụ thể, cũng như trong những lĩnh vực khác nhau.

Hội thảo đã thu hút 22 tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nhạc sĩ trong và ngoài nước, được định hướng chuyên sâu về tính lịch sử, tính nghệ thuật, năng lực thể hiện và sự lan tỏa của cây đàn bầu ở trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều tham luận khẳng định vị trí và vai trò của cây đàn bầu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, như: “Đàn bầu từ góc nhìn tư liệu” (nhà nghiên cứu Hán Nôm Đinh Văn Minh), “Đàn bầu trong nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam” (nghệ sĩ Xuân May, Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Đàn bầu trong trái tim người Việt ở nước ngoài” (Ths. NSƯT Mai Thủy, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội), “Đàn bầu trong đời sống của người dân tộc Kinh ở Đông Hưng-Trung Quốc” (TS. Dương Thị Lan Hương, Học viện Âm nhạc Huế), “Nghệ thuật đàn bầu trong Nhã nhạc Cung đình Huế” (NSƯT Trần Thảo, TP. Huế), “Đàn bầu trong dàn nhạc và đời sống lễ nhạc Cao Đài” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Long, Tây Ninh), “Đàn bầu trong nhạc hiếu ở Hà Nội và Hải Phòng qua góc nhìn người kể chuyện” (Ths. Nguyễn Thị Hồng Lan, Viện Âm nhạc), “Đàn bầu trong đời sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài” (nghệ sĩ Phạm Đức Thành, Canada)...

Biểu diễn đàn bầu ở Tổ chức Giáo dục FPT. Ảnh: FPT.

Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam. Trong văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận. Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây đều có sự tham gia trình diễn của đàn bầu. Việc nghiên cứu, sáng tạo trong mọi khía cạnh liên quan đến đàn bầu cũng được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua với thành quả đạt được là những tài liệu văn bản, sách xuất bản, tác phẩm âm nhạc mới, các nhạc cụ cải tiến.

Qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, ngoài các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi đàn bầu, còn có một đội ngũ đông đảo những người thực hành đàn bầu mang tính nghiệp dư, đến với cây đàn bằng sự yêu thích đam mê. Họ thành lập các đội nhóm, câu lạc bộ, fanpage để cùng học và trình diễn đàn bầu. Như thế, vị trí và vai trò của đàn bầu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam đã bước đầu được khẳng định dựa trên những cơ sở khoa học nhất định.

NGUYỄN CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khang-dinh-dan-bau-la-nhac-cu-doc-dao-cua-nguoi-viet-603317