Khẳng định cam kết và củng cố ASEAN

Với chủ đề 'ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng', Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM 56) đã ra Thông cáo chung, trong đó điểm lại đầy đủ các kết quả hợp tác cũng như định hướng trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN trên các trụ cột chính trị, kinh tế an ninh và xã hội. ASEAN nhất trí triển khai các sáng kiến và kế hoạch hành động đảm bảo mục tiêu 'ASEAN tầm vóc - tâm điểm của tăng trưởng'. ASEAN tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; củng cố Cộng đồng ASEAN và tính thống nhất, trung tâm của ASEAN.

Thông cáo chung tái khẳng định, ASEAN cam kết mạnh mẽ duy trì chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), Hiệp ước về Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). ASEAN đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng, giá trị và các vấn đề liên quan của AOIP đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của ASEAN.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN chụp ảnh lưu niệm.

ASEAN sẽ thúc đẩy hơn nữa việc triển khai AOIP với các đối tác, thông qua các dự án và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. ASEAN khuyến khích các đối tác hỗ trợ và triển khai hợp tác thực chất, thiết thực và hữu hình với ASEAN, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc trong AOIP, trên 4 lĩnh vực chính đã được xác định là hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) 2030, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.

Về quan hệ với các đối tác bên ngoài, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác với các nước đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus)… xây dựng lòng tin và củng cố một khu vực cởi mở, minh bạch, kiên cường, bao trùm và dựa trên luật lệ, lấy ASEAN làm trung tâm, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của ASEAN cũng như đối với các đối tác. ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cần duy trì tính bao trùm; đồng thời mở ra những con đường tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác cụ thể, qua đó đóng góp vào sự phát triển của cấu trúc khu vực, phù hợp với Hiến chương ASEAN và AOIP.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. ASEAN tái khẳng định, cần theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC); hoan nghênh các tiến triển đã đạt được trong các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xây dựng lòng tin để tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các bên.

Liên quan tới COC, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc trong khuôn khổ AMM-56, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhận định rằng, hai bên đã đạt được những cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương trong năm nay với việc hoàn tất Hướng dẫn đẩy nhanh đàm phán COC hiệu quả và thực chất, cũng như dự thảo lần hai Văn bản đàm phán COC duy nhất. Bà nhấn mạnh, những thành tựu này cần tiếp tục tạo động lực tích cực để thúc đẩy quan hệ đối tác theo mô hình bao trùm và cởi mở, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, đồng thời thúc đẩy thói quen đối thoại và hợp tác.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia - quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 - kêu gọi Trung Quốc trở thành đối tác chân thành của ASEAN trong việc duy trì một cấu trúc khu vực cởi mở và bao trùm nhằm đạt được hợp tác cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà cũng nhắc lại tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 hồi tháng 5 vừa qua tại thị trấn Labuan Bajo của Indonesia, trong đó, nêu bật một số khía cạnh, bao gồm tầm quan trọng của việc tuân thủ TAC, thông qua bản Hướng dẫn đẩy nhanh đàm phán COC, hỗ trợ triển khai AOIP, hợp tác kinh tế, tăng cường khả năng phục hồi y tế và giao lưu nhân dân.

Về phần mình, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ ủng hộ đối với TAC và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc phát triển một cấu trúc khu vực bao trùm, đồng thời nêu bật một số lĩnh vực hợp tác ưu tiên như nông nghiệp, phát triển xe điện, kinh tế biển xanh và giao lưu nhân dân.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khang-dinh-cam-ket-va-cung-co-asean-i700421/