Khẩn trương khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó những đợt mưa lớn tiếp theo

BẮC GIANG - Chiều 8/8, tại tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ với các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì.

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, đại diện một số sở, ngành và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, 7 ngày qua tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa bình quân 300-400 mm. Mưa lớn gây lũ cục bộ trên các sông, suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu…

Mưa lớn làm 13 người chết, mất tích; 58 ngôi nhà sập, 297 nhà hư hại, gần 200 ha lúa, hoa màu và 11 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại… Tại các tỉnh có 125 điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ cùng hàng trăm điểm sạt lở trên đường tỉnh, huyện…

Tại Bắc Giang, từ ngày 3/8 đến nay, tổng lượng mưa trung bình là 127,5 mm, trong đó có một số nơi có lượng mưa lớn như: Cầu Sơn (220 mm), Lạng Giang (213,6 mm), Phủ Lạng Thương (167 mm), Bố Hạ (177,8 mm), Lục Nam (177 mm)… Mưa lớn kéo dài khiến một số ngầm, tràn trên địa bàn huyện Yên Thế bị ngập; 301 ha lúa tại xã Hương Gián (Yên Dũng) bị ngập (hiện đã khắc phục xong).

Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, đây là đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, đất ở trạng thái bão hòa dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi. Theo đại diện Bộ Công Thương, ngay sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, điện lực, các doanh nghiệp và hồ chứa tăng cường kiểm tra hiện trường, kịp thời phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở để cảnh báo.

Đến nay, các lực lượng đã khắc phục xong hậu quả, cấp điện trở lại tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên do sạt lở đất chưa được khắc phục nên dù đã tiếp cận được hiện trường cột 35 KV bị đổ tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng ngành điện chưa đưa vật tư vào khắc phục được khiến 11/14 xã ở đây vẫn chưa có điện. Để sớm cấp điện trở lại cho người dân, đại diện Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với các tỉnh khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện vận chuyển vật tư.

Về nội dung này, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải thông tin, đến nay cơ bản các điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ đã được khắc phục, người dân đi lại bình thường. Tuy nhiên do quốc lộ 32C tại Yên Bái có những vị trí bị trôi cả nền và thân đường, trong đó có điểm dài 40-60 m nên cần có thời gian để khắc phục. Để bảo đảm an toàn cũng như thuận lợi cho người dân, Bộ phối hợp với địa phương tuyên truyền, cảnh báo người dân không di chuyển hướng về các điểm bị đứt, tránh áp lực cho lực lượng phân luồng giao thông.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ sáng 8/8 lượng mưa tại khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phí Bắc có dấu hiệu giảm. Trong đêm 8/8 đến sáng 9/8, tại các địa phương tiếp tục có mưa song chỉ dao động 40-60 mm và mưa sẽ dứt từ trưa 9/8. Do đó, cùng với tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở để gia cố và có phương án ứng phó với những đợt mưa tiếp theo.

Về khắc phục hậu quả, đại diện các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La cho biết, địa phương bảo đảm tốt an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân, chủ động hàng hóa, vật tư thiết yếu, không để hộ dân nào bị đói hoặc thiếu nơi ở.

Một số ý kiến đề nghị, tại các tuyến quốc lộ bị đứt đường, cần thời gian khắc phục, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu công bố tình trạng khẩn cấp để người dân nắm bắt, không di chuyển vào. Các bộ, ngành T.Ư quan tâm hỗ trợ địa phương sửa chữa, khắc phục hậu quả tại những khu vực sạt lở khối lượng lớn và tiếp tục có nguy cơ trong những đợt mưa tiếp theo.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động, kịp thời kích hoạt phương án “4 tại chỗ” của các địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, đồng chí đề nghị, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ, quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người gặp nạn, thiệt hại về tài sản để sớm ổn định đời sống. Huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, tập trung vào những khu vực sạt lở.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh trong khu vực tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để di dời, sơ tán người dân.

Các địa phương dừng hoạt động lễ hội, sự kiện tập trung đông người nhằm tránh rủi ro trước các hiện tượng dông lốc, sấm sét. Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, khu vực sạt lở, không để người dân đến các điểm nguy cơ rủi ro cao.

Đồng chí lưu ý, từ ngày 20/8 đến đầu tháng 9, các tỉnh Bắc Bộ có khả năng đón hai đợt áp thấp nhiệt đới, nguy cơ mưa lớn kéo dài xảy ra. Do đó, các địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa này, vừa phải chủ động phương án ứng phó. Trong đó cần đánh giá nguyên nhân dẫn đến sạt lở để có giải pháp phòng ngừa, hạn chế các rủi ro và đưa ra phương án ứng phó dài hạn. Sẵn sàng cứu nạn, trong đó ưu tiên bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân trước.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/409696/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-chu-dong-ung-pho-nhung-dot-mua-lon-tiep-theo.html