Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1025/CÐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khắc phục hậu quả bão số 2.

Nhiều đoạn đường sắt từ Thanh Hóa đến Vinh bị cây đổ chắn ngang, đến 7 giờ 30 phút ngày 17-7 mới cơ bản thông tuyến. Ảnh: QUANG HƯNG

Nhiều đoạn đường sắt từ Thanh Hóa đến Vinh bị cây đổ chắn ngang, đến 7 giờ 30 phút ngày 17-7 mới cơ bản thông tuyến. Ảnh: QUANG HƯNG

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 còn đang gặp nạn. UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 2, tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị chết, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập.

Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chống úng ngập, bảo vệ sản xuất. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 2.

* Tin cuối cùng về bão số 2

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bão số 2 sau khi đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế và nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp gây mưa to đến rất to. Ðến chiều 17-7, bão số 2 đã vượt qua khu vực biên giới Việt Nam - Lào và đi sang khu vực Trung Lào. Các tỉnh Bắc Bộ có khả năng tiếp tục có mưa kéo dài trong hai đến ba ngày tới. Ðây là tin cuối cùng về cơn bão số 2.

Lực lượng cứu nạn thuộc Vietnam MRCC đã đưa toàn bộ sáu thuyền viên trên tàu cá QNg 94698 TS về bờ an toàn.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, là trọng điểm về an toàn đập. Các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để bảo đảm an toàn.

* Cục Trồng trọt cho biết, do ảnh hưởng của mưa, bão, khoảng 221 nghìn héc-ta lúa mới gieo cấy từ ngày 8 đến 15-7, và 50 nghìn ha rau màu ở đồng bằng sông Hồng có khả năng bị ảnh hưởng. Hiện các địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại để có biện pháp khắc phục sau khi bão tan.

* Tại tỉnh Yên Bái có mưa kéo dài do ảnh hưởng bão số 2 đã làm nhiều ta-luy ngấm nước bị sạt lở. Tại km 266 + 900 và km 267 + 230 quốc lộ 32, nhiều khối đá lở trên ta-luy dương tràn xuống đường, gây ách tắc toàn tuyến. Ðường tỉnh 166 đoạn Âu Lâu- Ðông An nhiều đoạn bị ngập sâu 0,5 m làm tắc đường. Ngành giao thông đang cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân, đồng thời đưa phương tiện cơ giới vào khắc phục bảo đảm giao thông bước một.

* Ngày 17-7, do sóng lớn, các chuyến tàu tuyến Vân Ðồn - Cô Tô (Quảng Ninh) vẫn chưa thể hoạt động khiến cho khoảng 3.500 khách du lịch đang lưu trú tại huyện Cô Tô chưa thể về đất liền. Trước tình hình này, UBND huyện Cô Tô yêu cầu các nhà nghỉ, nhà dân có khách du lịch nghỉ tạo điều kiện tuyệt đối cho khách, không tăng giá, ép khách.

* Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN) cho biết, mưa bão đã gây ngập quốc lộ đoạn km 412+400 - km 412+450 qua tỉnh Nghệ An, gây tắc giao thông từ 8 đến hơn 9 giờ; sập cổng chào của huyện Hưng Nguyên trên tuyến tránh TP Vinh. Quốc lộ 16 sụt ta-luy dương hai vị trí khoảng 600 m3, gây ách tắc giao thông từ 9 giờ. Quốc lộ 48E nhiều tràn ở các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Ðàn, Quỳ Hợp phải đóng đường do ngập sâu; tràn sông Sào tại xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Ðàn) ngập 2,7m do đập sông Sào xả lũ, đã tiến hành đóng đường từ 9 giờ,... Tổng thiệt hại sơ bộ trên hệ thống quốc lộ ước tính khoảng 30 tỷ đồng.

* Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, có 10 đoàn tàu, với hơn 4.000 hành khách phải nằm chờ tại các ga dọc đường sắt Thống Nhất, đoạn từ Thanh Hóa đến TP Vinh (Nghệ An) do ảnh hưởng bão số 2 gây tắc đường từ 23 giờ ngày 16-7, đến 7 giờ 30 phút ngày 17-7. Quá trình chờ thông tàu tại các ga, ngành đã phục vụ ăn sáng, nước uống miễn phí cho hành khách.

* Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chiều 17-7 cho biết, các hồ chứa thủy điện thuộc EVN, lưới điện 220kV và 500kV vận hành bình thường. Về lưới điện phân phối, có 11 đường dây (ÐZ) 110kV ở khu vực Thanh Hóa - Hà Tĩnh bị sự cố khi bão đổ bộ, sau khi bão tan đã khôi phục được tám ÐZ, đến 15 giờ chiều cùng ngày đã khôi phục thêm ba ÐZ còn lại. EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục các sự cố lưới điện do mưa bão gây ra, khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, nhất là các phụ tải: bệnh viện, trạm bơm tiêu úng, thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.

* Mưa lớn, nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập sâu

Do ảnh hưởng cơn bão số 2, từ 9 giờ sáng 17-7, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa lớn, kéo dài. Theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại khu vực Mễ Trì là 129mm, Cầu Giấy: 122mm, Nam Từ Liêm: 121mm; khu vực trung tâm thành phố và địa bàn các quận Hà Ðông, Hoàng Mai… đều ở mức hơn 100mm.

Các phố: Hàng Bài, Trần Hưng Ðạo, Ngô Văn Sở, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Ngô Thì Nhậm, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Ðội Cấn, Phùng Hưng, Trường Chinh, Giải Phóng, Tân Mai, Cao Bá Quát, Hoàng Minh Giám, Dương Ðình Nghệ, Ngụy Như Kon Tum, Lương Thế Vinh... nước ngập sâu từ nửa mét tới một mét, khiến các phương tiện không thể đi lại được, nước tràn vào nhà người dân hai bên đường. Nhiều hộ phải di chuyển đồ đạc, cắt điện để bảo đảm an toàn.

Khoảng 12 giờ trưa, mưa ngớt, nước tại các tuyến, phố khu vực trung tâm thành phố nhanh chóng rút; khoảng hơn một giờ sau giao thông trở lại bình thường. Tuy nhiên, khu vực phía tây thành phố, nước rút chậm, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực điểm giao cắt phố Dương Ðình Nghệ - đường vành đai 3, nước ngập sâu, các phương tiện không thể qua lại được. Nhiều tuyến phố thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, do mưa nhiều từ những ngày trước, cộng với lượng mưa lớn đổ xuống trong sáng 17-7 đã khiến mực nước các sông dâng cao. Trong khi đó, hệ thống thoát nước khu vực phía tây thành phố chưa được cải tạo, vẫn thoát nước bằng hình thức tự chảy ra sông Nhuệ, cho nên khả năng tiêu thoát rất hạn chế.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa, lũ

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại nhiều địa phương xuất hiện các đợt mưa kéo dài, nhất là cơn bão số 2 đang gây ảnh hưởng trực tiếp tại một số tỉnh miền trung, gây lũ lụt trên diện rộng. Ðây là thời điểm dễ phát sinh những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa, lũ. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thực hiện việc thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt…

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33498602-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-2.html