Khẩn trương bình ổn thị trường vàng

Giá vàng trong nước bắt đầu giảm mạnh kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng. Chỉ sau hai ngày, giá vàng miếng trong nước đã giảm từ 9 đến 10 triệu đồng/lượng, tùy từng doanh nghiệp.

Người dân Hà Nội mua bán vàng. (Ảnh: DŨNG MINH)

Cụ thể, tính đến 14 giờ 30 phút ngày 29/12, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 71 triệu đồng/lượng mua vào và 76 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng SJC niêm yết mua vào - bán ra ở mức 72-75 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 2.072 USD/ounce.

Chỉ đạo “nóng” làm hạ nhiệt giá vàng

Có thể thấy, những ngày qua, thị trường đã chứng kiến một cơn điên loạn của giá vàng trong nước khi điều chỉnh dâng cao liên tục, có thời điểm chênh lệch với giá vàng thế giới giãn rộng đến gần 20 triệu đồng/lượng. Theo quan sát từ Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/ounce. Riêng ngày 26/12, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/ounce, tăng 232 USD/ounce (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm.

Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội như vậy, ngày 27/12, nhằm ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó cũng ra thông điệp khẳng định sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý, kinh doanh vàng và các trung gian thanh toán nghiêm túc thực hiện việc tăng cường nhận biết khách hàng và giao dịch của khách hàng thông qua thu nhập, xác minh thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng; báo cáo ngay đến Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước khi có giao dịch với giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Hiện nay, theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên.

Theo nhìn nhận của Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải Nguyễn Đức Anh, ngay trong ngày 28/12 khi có thông tin về công điện của Thủ tướng về minh bạch thị trường, thị trường đã ổn định hơn, giá vàng SJC đã giảm về vùng 75 triệu đồng, giảm 4 triệu đồng/lượng.

Chủ động, kịp thời điều tiết thị trường vàng

Công điện của Thủ tướng Chính phủ được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Theo nhiều ý kiến, đây là một chỉ đạo rất kịp thời để chấn chỉnh giá vàng trong nước, nhất là giá vàng SJC, và quan trọng nhất là đã “buộc” các cơ quan chức năng phải khẩn trương hành động. Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh kỳ vọng, khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành sẽ có phương án để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá cao chỉ đạo đúng thời điểm của Thủ tướng Chính phủ, khiến thị trường vàng trong nước đã ngay lập tức có những phản ứng tích cực. “Tâm lý của các nhà đầu tư thấy an tâm khi Thủ tướng có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng. Từ đó, họ cảm thấy bớt nôn nóng mua vàng, dẫn đến thị trường bớt sôi động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể, nên mới đánh vào vấn đề tâm lý. Nếu không có biện pháp tích cực cụ thể, thị trường sẽ trở lại sự sôi động như trước đây”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Trên thực tế, thị trường vàng hiện đang vận hành theo khuôn khổ pháp lý tại Nghị định 24. Theo quy định tại Nghị định, Ngân hàng Nhà nước được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong giai đoạn 2011-2012, lạm phát tăng cao, có thời điểm lên tới 18%, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế diễn ra khá đáng ngại, thậm chí là hoảng loạn; giá vàng có ngày điều chỉnh tăng 35 lần, tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, để ổn định thị trường vàng, đặc biệt là chống đô-la hóa, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 24. Nhờ Nghị định này, 12 năm qua, Việt Nam từng bước hạn chế hiện tượng “vàng hóa”, “đô-la hóa” và nâng dần vị thế của đồng VND lên.

Tuy nhiên, nếu giai đoạn trước việc Ngân hàng Nhà nước quản lý sản xuất vàng miếng như Nghị định 24 là phù hợp, giúp hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế giảm mạnh, thì hiện nay, khi tình hình kinh tế vĩ mô đã khác, việc này nên xem xét lại.

Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh thị trường vàng Việt Nam là Nghị định 24 ra đời từ năm 2012.

“Trong 12 năm qua, Nghị định 24 đã đóng rất tốt vai trò lịch sử trong nỗ lực chống “vàng hóa”, “đô-la hóa” và nâng dần vị thế của đồng Việt Nam. Đó là lý do vì sao, hơn 10 năm qua, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp. Nhưng một mặt khác, không chỉ có vàng mà mọi hàng hóa, nếu mất cân đối về cung cầu thì đương nhiên giá sẽ tăng cao. Điều này thấy rất rõ trong vàng miếng SJC.

Chính bởi sự mất cân đối cung cầu, cung thấp và cầu gia tăng cho nên dẫn đến độ cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, lên tới 20-25 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua, đồng thời làm giá vàng trong nước khó giảm sâu. Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có các chính sách hiệu chỉnh sao cho phù hợp trong tình hình mới”, ông Phước bày tỏ ý kiến.

Cũng theo ông Trương Văn Phước, để ổn định thị trường vàng, vấn đề đầu tiên là cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu của thị trường. Theo đó, nếu chúng ta có một lượng nhập khẩu vàng tương đối khá để từ đó gia công chế biến SJC tạo ra nguồn cung thì chắc chắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được kéo thấp xuống. “Trả vàng lại cho thị trường tự điều tiết là nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, đây không phải là điều mới mẻ, vấn đề là điều tiết thị trường sao cho tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam”, ông Phước cho biết thêm.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổng kết thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Qua đó, bảo đảm có một thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Liên quan vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định: Ngay trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất giải pháp quản lý thị trường phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Công an và các cơ quan liên quan quản lý hiệu quả thị trường vàng. “Trước diễn biến phức tạp thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ thêm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khan-truong-binh-on-thi-truong-vang-post789954.html