Khan hiếm xăng dầu uy hiếp HTX vận tải

Xăng dầu là huyết mạch của ngành vận tải. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm xăng dầu lan rộng không chỉ khiến hoạt động vận tải của các HTX xảy ra nhiều xáo trộn bất thường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh.

Khi giá xăng dầu vừa hạ nhiệt chưa được bao lâu, các HTX vận tải lại tiếp tục đối mặt những khó khăn vì xăng dầu đang rơi vào tình trạng khan hiếm, bán nhỏ giọt ở các tỉnh thành.

Tăng chi phí, kéo dài thời gian

Nếu như tháng trước, tình trạng khan hiếm xăng dầu chủ yếu diễn ra tại khu vực miền Nam thì nay đã lặp lại ở các tỉnh, thành miền Bắc. Ông Trần Quốc Khải, Giám đốc HTX vận tải Nội Bài (Hà Nội), cho biết dù làm nghề vận tải nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ gặp phải tình trạng mua xăng dầu khó như hiện nay.

“Khi vào các cây xăng để mua dầu, các thành viên thường xuyên gặp câu trả lời là hết rồi. Lúc có xăng dầu để bán, nhưng cửa hàng chỉ bán hạn chế, chứ không đổ đầy bình như trước. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đưa đón khách của HTX”, ông Khải nói.

Tại các quận huyện khác ở Hà Nội khác, các tài xế của các HTX cũng phải cuống cuồng tìm nơi đổ xăng dầu để chuẩn bị trước giờ làm việc thay vì lơ là như trước đây.

“Tôi thường đổ xăng ở đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng những ngày gần đây rất khó khăn. Chính vì vậy, tôi phải sang tận các cây xăng gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) nhưng cũng không khá hơn nhiều vì tình trạng tạm ngưng bán, hết hàng của nhiều cây xăng”, anh Nguyễn Văn Đức, tài xế thuộc HTX vận tải Nam Anh, cho hay.

Xăng dầu khan hiếm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các HTX vận tải.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các HTX vận tải. Để có đủ nguồn xăng dầu cho các phương tiện hoạt động bình thường, HTX phải bỏ ra nhiều chi phí hơn so với trước.

Chẳng hạn như ở các HTX vận tải lớn, nhiều xe thường đăng ký mua cả bồn chứa xăng dầu để đổ cho tất cả các xe. Điều này vừa thuận lợi cho việc thanh toán, vừa tiết kiệm được chi phí cho HTX vì giá rẻ hơn giá nhà nước quy định. Các xe cũng không phải đi lòng vòng nhiều chỗ nên ít hao tổn nhiên liệu. Nhưng hiện nay, HTX khó có thể mua được xăng dầu, trong trường hợp mua được thì chi phí sẽ phải tăng thêm và phải đi nhiều nơi.

Ông Triệu Quang Hưng, đại diện HTX Vận tải Trường Hải (Hà Nội), cho biết đối với mỗi xe đầu kéo có bình nhiên liệu là 350 lít trở lên và tiêu thụ khoảng 50 lít dầu/100km, thậm chí nhiều hơn đối với những đời xe cũ. Tuy nhiên hiện nay, xe của HTX ra các cửa hàng luôn bị giới hạn đổ dầu, chỉ 50-70 lít "quay đầu".

“Như vậy, xe chạy đường dài không đủ một lượt đi. Trong khi thành viên của HTX vừa chạy vừa lo hết xăng, và khi hết xăng không phải muốn là có thể đổ tiếp được. Điều này kéo dài thời gian tới đích thêm 1-2 giờ và tốn thêm chi phí cho HTX”, ông Hưng nói.

Còn đối với các HTX làm dịch vụ xe taxi, tỷ lệ xe đi tỉnh cũng ít hơn vì mỗi xe đi 200km cần hơn 20 lít xăng trong khi hiện tại, các cây xăng chỉ cho đổ vài lít, không đủ cho thành viên chạy đường dài.

Bao giờ mới qua cơn bĩ cực?

Theo thống kê của Bộ giao thông vận tải, tính đến nay, cả nước có khoảng 1.700 HTX vận tải. Trong đó, lĩnh vực đường bộ có khoảng 1.500 HTX, hàng hải có 6 HTX, đường thủy nội địa có khoảng 200 HTX.

Hai năm qua, dịch Covid-19 khiến các HTX phải dừng hoạt động nhiều tháng. Đầu năm, giá xăng dầu tăng cao chóng mặt, đến nay, các HTX lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm xăng dầu. Điều này khiến thành viên HTX thêm mệt mỏi vì xáo trộn giờ giấc, các đơn hàng xuất kho, nhập kho hay thời gian đón trả khách cũng ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia, vận tải là ngành có khả năng tiêu thụ xăng dầu lớn. Từ trước đến nay, ngành vận tải cũng chưa từng chịu cảnh gián đoạn nguồn cung nhiên liệu như hiện nay.

Nếu như xăng dầu bị dán đoạn kéo dài đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến doanh thu của các HTX. Bởi hiện nay nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển khách đều rất lớn, đi liền với đó là áp lực cạnh tranh gay gắt. Nếu tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài sẽ dẫn đến hoạt động của các HTX vận tải bị rối loạn, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách và ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Điều đặc biệt là hầu hết các HTX từ trước đến nay đều đăng ký đổ xăng dầu cố định ở cây xăng đã ký hợp đồng theo cả năm. Chính vì vậy, việc thanh toán tiền cũng theo thời gian nhất định. Thế nhưng việc phải đi nhiều cây xăng khác nhau để đổ nhiên liệu khiến HTX phải trả ngay bằng tiền mặt, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng vốn của HTX.

Không dừng lại ở đó, việc đứt nguồn cung xăng dầu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các HTX vận tải mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến các HTX đánh bắt thủy hải sản xa bờ, HTX nông nghiệp vì các đơn vị này vẫn phải sử dụng xăng dầu vào các mục đích sản xuất kinh doanh khác nhau.

Trước thực trạng này, các HTX mong muốn, cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, phục vụ nhu cầu vận tải một cách ổn định. Bởi nếu không có xăng dầu để chạy, hàng hóa không lưu, nhu cầu đi lại của con người bị hạn chế thì chính các HTX vận tải và khách hàng sẽ phải chịu thiệt.

Ông Trần Đức Nghĩa, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, hiện nay các ngân hàng đang siết chặt tín dụng, dù hạn mức còn HTX vận tải cũng không thể vay thêm. Điều này khiến nguồn tài chính của HTX vận tải ngày càng khó khăn.

Nếu không tìm ra giải pháp tháo gỡ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các HTX vận tải không thể yên tâm hoạt động bình thường. Quan trọng hơn là giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Nếu thiếu nhiên liệu đầu vào sẽ làm cho hoạt động vận tải và hoạt động sản xuất giảm sút, ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/khan-hiem-xang-dau-uy-hiep-htx-van-tai-1089238.html