Khán giả xem phim 'vượt tuổi': Cần trách nhiệm các bên!

Những ồn ào quanh thông tin khán giả nhỏ tuổi nhưng vẫn vào rạp xem phim dán nhãn mức tuổi lớn hơn không phải chuyện mới lạ. Để có thể giải quyết triệt để vấn nạn này, trách nhiệm không phải chỉ thuộc về cơ quan quản lý, rạp phim mà còn ở chính khán giả.

Những ngày qua, nhiều cụm rạp trên khắp cả nước đón các đoàn lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất độ tuổi khán giả xem phim ngay tại rạp. Mới đây, video clip quay cảnh kiểm tra tại một rạp Cinestar tại TP HCM trong lúc khán giả xem phim "Mai" của Trấn Thành lan tỏa trên mạng với nhiều ý kiến trái chiều.

Phía đại diện các rạp xác nhận việc kiểm tra diễn ra đột xuất và ở nhiều rạp trên cả nước của nhiều hệ thống rạp chứ không phải chỉ riêng ở Cinestar hay riêng TP HCM.

Đoàn kiểm tra đột xuất khi khán giả đang xem phim "Mai"

Phim "Mai" dán nhãn T18

Sau khi có thông tin phản ảnh tại một số rạp chiếu có khán giả dưới 18 tuổi mua vé xem phim "Mai", ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết Thanh tra Bộ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc các rạp chiếu phim chấp hành đúng quy định pháp luật về điện ảnh, trong đó phải đảm bảo tuổi vào xem phim đúng như dán nhãn.

Thực tế, những ồn ào quanh thông tin khán giả nhỏ tuổi vào rạp xem phim dán nhãn ở mức tuổi lớn hơn cũng đã từng xuất hiện.

Một số nhóm bạn trẻ đi cùng nhau thường chọn một người đi mua vé cho cả nhóm và người đó hẳn nhiên đủ tuổi. Nhà rạp dù nỗ lực cũng khó có thể kiểm tra giấy tờ của từng người.

Nhân viên chỉ có thể thông tin, nhắc nhở về nhãn dán, giới hạn độ tuổi, kiểm tra… trước khi khán giả mua vé. Họ có lần phối kiểm thứ hai khi khán giả cầm vé đi qua quầy soát vé để vào rạp. Những người nào gương mặt trẻ hoặc vóc dáng không giống ở độ tuổi đó, cảm thấy nghi ngờ thì bị mời lại kiểm tra giấy tờ.

Vì cái khó của mỗi bên nên để giải quyết triệt để vấn nạn khán giả xem phim "vượt tuổi" cần có trách nhiệm của các bên. Trong đó, cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra đột xuất, rạp phim có trách nhiệm nhắc nhở về độ tuổi, kiểm tra trước khi mua vé cũng như trước khi vào rạp và bản thân khán giả cũng cần văn minh, tự giác. Bởi, nếu khán giả cố tình muốn xem, cố tình tìm cách lách luật, che giấu tuổi thật của mình thì rất khó phát hiện.

Việc khán giả chọn lựa xem phim đúng với độ tuổi quy định không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật mà còn giúp cho nhà rạp giảm bớt áp lực, tránh bị phạt ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín còn cơ quan quản lý cũng làm tốt trách nhiệm trước đòi hỏi của người dân.

Hiện tại, hệ thống phân loại phim có các mức: Loại P - phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại C - phim không được phép phổ biến.

Các phim điện ảnh trước khi ra rạp đều phải trải qua kiểm duyệt, phân loại độ tuổi từ Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình của Cục Điện ảnh.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khan-gia-xem-phim-vuot-tuoi-can-trach-nhiem-cac-ben-196240228125932263.htm