Khán giả - khách hàng

(CATP) Tiền vệ khét tiếng thế giới - David Beckham đã bị Hội đồng kỷ luật giải bóng đá nhà nghề Mỹ phạt 1.000USD vì tội dám gây gổ với “thượng đế” - cổ động viên! Được biết, sau chuyện “đứng núi này trông núi nọ”, cổ động viên của Los Angeles Galaxy đã rất bực Beckham khi cho rằng anh này không chung thủy. Họ đã liên tục có những khích bác siêu sao, dù anh chơi khá tốt trong trận giao hữu giữa đội nhà với AC Milan. Nổi nóng, Beckham đã định trèo qua hàng rào ngăn cách để gây sự với khán giả. Và Hội đồng kỷ luật giải bóng đá nhà nghề Mỹ đã cho rằng đó là hành động xúc phạm đến khán giả, gây ảnh hưởng đến uy tín của giải, và phạt 1.000USD!

“Khách hàng là thượng đế” là câu cửa miệng, là kim chỉ nam của nền kinh tế thị trường. Có khách hàng thì sống, và mất khách hàng thì chết, điều đó ai cũng biết. Và thể thao hiện nay ở các nước tiên tiến cũng thế, chẳng khác nào một ngành nghề kinh doanh như bao nghề khác. Đội nào, môn nào thu hút được khán giả quan tâm càng đông, thì đội đó, môn đó càng giàu có. Vì vậy, các Ban tổ chức giải, các đội bóng ở nước ngoài thật sự yêu chiều khán giả. Nếu có dịp đặt chân đến các sân bóng đá, các nhà thi đấu thể thao ở những quốc gia tiên tiến, hẳn bạn sẽ thấy mình thực sự được cưng chiều như một “thượng đế”. Chẳng khác nào khi đặt chân vào một siêu thị, một cửa hàng kinh doanh... Ở đó, dù là nơi rất đông người, nhưng ngay ở khâu kiểm soát an ninh, người ta cũng đối xử với bạn rất gượng nhẹ, nhân viên an ninh luôn nở nụ cười trên môi và liên tục “sorry”! Bước vào sân, việc tổ chức những khu giải khát, ăn nhẹ phục vụ cho khán giả cũng rất sạch sẽ, bắt mắt. Xin lỗi, ngay đến “W.C” cũng có người phục vụ như ở một quán bar, để nơi này luôn được vệ sinh, tạo cảm giác thoải mái cho khán giả. Nói tóm lại, phương châm của những nhà quản lý thể thao chuyên nghiệp là họ chăm sóc khán giả sao cho họ thật sự cảm thấy thoải mái để chịu bỏ tiền mua vé, bỏ thì giờ đến sân xem thi đấu thể thao. Nhìn khách hàng trong lĩnh vực thể thao các nước tiên tiến, rồi nhìn lại khán giả mình mà thấy thương làm sao! Những trận đấu ké, ế nhệ thì còn đỡ, chứ hấp dẫn thì “thượng đế” bị đối xử chẳng khác nào dân cùng đinh mạt hạng thời xa xưa đi xếp hàng nhận gạo thí. Đầu tiên, đó là thức đêm dậy sớm để đi xếp hàng mua vé. Vượt qua được cái ải này (xin không đi vào chi tiết vì báo chí cũng đã nói nhiều, tả nhiều rồi), ngày đi xem cũng cực không khác nào đi cày, chứ không phải đi giải trí thư giãn. Đầu tiên là chịu cái khổ về gởi xe, và đưa cổ ra cho các điểm giữ xe cứa! Bước vào sân thì phải xếp hàng chen chúc, và khép nép trước những vị bảo vệ như chực ăn tươi nuốt sống khán giả. Vào sân, mua một ổ bánh mì, một chai nước với giá trên trời, nhưng chất lượng thì dưới đất. Giờ giải lao, đi vào “W.C” quả là một cực hình. Thậm chí, đối với nhiều khán giả nữ còn là “nhục hình”, ví dụ ở sân Thống Nhất - sân bóng của một thành phố lớn, nhưng ở khu vệ sinh, phái nữ khi vào khu vực của mình thì phải đi qua khu vực của nam! Bao giờ khán giả của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng ở VN, mới được các nhà quản lý chăm sóc chu đáo? Chưa thể có câu trả lời, dù đó là một biểu hiện thật sự của thể thao chuyên nghiệp...

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=941&id=26132&mod=detnews&p=