Khán giả chờ xem phim nội, nhà sản xuất đợi kịch bản hay

Mùa Tết Giáp Thìn có đa dạng sản phẩm phim ảnh công chiếu, sau một năm sản xuất có phần khó khăn hơn khi thị trường trầm lắng. Đây là cơ hội cạnh tranh của các hãng sản xuất giành sự ủng hộ của khán giả, song cũng là động lực thúc đẩy thị trường năm 2024. Nhà sản xuất phim cũng đang nỗ lực kêu gọi đầu tư và sẵn sàng chi tiền cho nội dung chất lượng.

Nguồn khán giả trẻ tiềm năng

Qua hai tuần rạp phát sóng phim dịp Tết Nguyên đán 2024, phòng vé đã gần cán mốc 500 tỉ với sự đóng góp chính từ hai phim Việt là Mai của đạo diễn Trấn Thành và Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung cùng khoảng 4 phim ngoại khác. Số lượng phim đã có sự thay đổi sau cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tên tuổi bảo chứng phòng vé.

Nhiều dự án dời lại thời gian phát sóng sau Tết như Trà của đạo diễn Lê Hoàng, Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, cùng rất nhiều phim đang tìm kiếm diễn viên, chuẩn bị bấm máy… Đây là dấu hiệu mang đến sự kỳ vọng cho năm 2024 sôi động của thị trường điện ảnh.

Ông Jung Myung Soo, nhà sáng lập của hãng Orange Films cho hay, năm 2023 vừa qua công ty đã tiến hành phát triển, xây dựng rất nhiều các kịch bản khác nhau. Mới nhất là phim điện ảnh Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu phát sóng cuối năm 2023. Ông nhìn nhận thời điểm suy thoái kinh tế là một năm cực kì khó khăn với điện ảnh Việt Nam, có rất ít phim thành công. Ngoài ra số lượng khán giả tới rạp cũng thấp hơn nhiều so với các năm khác, ngoại trừ những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đối chiếu với thị trường Hàn Quốc, nơi công nghiệp giải trí đã phát triển trước Việt Nam, đại diện Orange Films nhìn nhận người Việt rất ưa chuộng phim Việt. Điều này có thể thấy qua thông số so sánh với nền điện ảnh của các quốc gia khác, thị trường phim Việt luôn có tỉ lệ người xem phim nội địa cao hơn mức trung bình.

“Theo con số mà hãng khảo sát, thị trường phim nội địa chiếm tới hơn 35% doanh thu và dự kiến con số này sẽ còn tăng. Đó cũng là lợi thế của các nhà làm phim Việt khi có một lượng khán giả sẵn sàng xem phim như vậy. Đồng nghĩa với việc họ có nhiều cơ hội làm phim hơn”, ông Jung Myung Soo nhìn nhận.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 38,2 triệu người. Cũng theo báo cáo, nhóm dân số trong độ tuổi từ 15-59 tuổi khoảng 63 triệu người, trong đó có khoảng 23,7 triệu người từ 15-59 tuổi ở thành thị, nơi hệ thống rạp chiếu phim phủ sóng nhiều nhất.

Thực tế, dù nhiều phim dán nhãn chỉ cho phép khán giả trên 18 tuổi vào rạp, các phim kinh dị như Kẻ Ăn Hồn, Quỷ Cẩu, hay Mai vẫn có doanh thu ấn tượng hơn 50 tỉ đến vài trăm tỉ . Con số doanh thu này cho thấy tiềm năng lớn kinh doanh phòng vé từ những khán giả trẻ, những người có thói quen ra rạp.

Bên trong rạp chiếu phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn vừa qua. Ảnh: Hoàng An

Ghi nhận từ Kim Entertainment, công ty sản xuất phim và quản lý nghệ sĩ Việt Nam, đơn vị cũng ghi được dấu ấn từ phim chiếu mạng, web-drama năm 2023. Dự án phim “Liên và Đạt” của công ty liên tục vào top có người xem cao khi công chiếu trên các nền tảng mạng xã hội.

Chị Đỗ Hoàng Vũ, nhà sáng tập Kim Entertainment cho biết, doanh nghiệp từng lo lắng khi các dự án phim của hãng khai thác chủ đề ngôn tình lãng mạn, Đây thể loại đã từng không thành công trước đây vì làn sóng phim ngôn tình từ Trung Quốc, Hàn Quốc du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Nhưng khi phim phát sóng, phần lớn khán giả trẻ đón nhận.

Theo chị, phim chiếu trên các nền tảng mạng xã hội có thể không còn nhiều dư địa như trước vì tìm kiếm nguồn thu không quá tốt. Nhà sản xuất khó có thể sống bằng tiền lượt xem trên youtube nếu chỉ làm 1-2 phim vì doanh thu từ đây chỉ chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư, chưa kể phim bị chiếu lại qua rất nhiều nền tảng khác không có phí.

“Nhưng thành công sau dự án phim ra mắt trong năm 2023 có thể thấy khán giả trẻ luôn dành tình cảm, lòng tin nhất định với giải trí Việt, sức hút phim luôn có nếu đó là tác phẩm có kịch bản tốt”, chị nói.

Cần nỗ lực đưa điện ảnh trở thành nền công nghiệp

Ông Jung Myung Soo nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của số lượng rạp chiếu tại Việt Nam. Nếu so sánh với Hàn Quốc nơi có số phòng chiếu ở thời điểm thành công nhất 2.400 phòng phục vụ hơn 50 triệu người dân Hàn Quốc, thì ở Việt Nam với hơn 100 triệu dân, nền điện ảnh Việt Nam có tiềm năng đạt tới hơn con số 5.000 phòng chiếu. Theo thống kê của Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam, tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 6.000 phòng chiếu từ chuỗi rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam là CGV, Lotte Cinema, BHD, Galaxy Cinema.

Điểm mạnh cuối cùng chính là sự cải cách trong quá trình kiểm duyệt phim, điều này sẽ giúp nền điện ảnh Việt Nam có nhiều thể loại, nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, đại diện Orange Films cũng chỉ ra điện ảnh Việt Nam chưa thể được gọi là một “nền công nghiệp điên ảnh”, mà mới chỉ tới giai đoạn “điện ảnh”. Để trở thành một “nền công nghiệp” yếu tố tiên quyết là cần có các đối tác doanh nghiệp có quy mô lớn và họ sẽ liên tục rót vốn đầu tư vào điện ảnh nước nhà. Tuy vậy ở Việt Nam vẫn chưa có những đơn vị kiểu này. Hiện nay, đa số đầu tư đều đến từ các cá nhân hoặc những công ty vừa và nhỏ.

“Ngoài ra, quá trình kêu gọi vốn từ nước ngoài ở Việt Nam vẫn tồn tại một số bất cập, quy trình pháp lý để thực hiện việc này thật sự rất phức tạp. Bản thân tôi cũng hạn chế kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc vì lí do này”, ông bộc bạch.

Cụm rạp, phòng chiếu phim ngày càng được đầu tư hiện đại. Trong ảnh là một cụm rạp của Galaxy Cinema ở TPHCM. Ảnh: Hoàng An

Ở Việt Nam, kịch bản tốt vẫn có nhưng chưa đủ mở rộng số lượng phim ảnh để trở nên sôi nổi. Biên kịch giỏi, xuất sắc vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu từ những nhà sản xuất, phát hành phim. Chính vì thế quá trình chăm chút xây dựng, chỉnh sửa, đẩy mạnh tìm kiếm kịch bản cần nhiều thời gian trong tương lai để “dò tìm” nội dung trên diện rộng.

Đại diện một hãng phim ở TPHCM nhìn nhận, lòng tin khán giả với điện ảnh Việt thôi thúc các nhà làm phim có tâm huyết với dự án để phim không thất bại trên sân nhà. “Với tôi không có thời điểm vàng trong năm chỉ cần phim tốt, lúc nào ra rạp cũng đều tốt”, vị này nói.

Hãng sản xuất này cũng thừa nhận, tình hình khó khăn trong năm qua khiến số lượng phim của hãng giảm đi khoảng 40%. Thị trường không như kỳ vọng, việc kêu gọi tài trợ giảm khoảng 20-30%. Dự án quảng cáo của doanh nghiệp cũng giảm. Các khâu vận hành phải tối giản lại, công ty nhận thêm nhiều dự án bên ngoài gia công để cầm cự trong giai đoạn trầm lắng của phim Việt hồi năm ngoái. Đến nay, thị trường có vẻ khởi sắc hơn sau khi các dự án phim công chiếu có kết quả tích cực, hy vọng thị trường sẽ theo đà trở nên sôi động hơn trong 2024.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khan-gia-cho-xem-phim-noi-nha-san-xuat-doi-kich-ban-hay/