Khâm Tấn Tường là ai?

Ở Tây Ninh, quan đại thần Khâm Tấn Tường trấn nhậm vùng này lúc bấy giờ không tuân lệnh bãi binh của triều đình. Không 'hợp tác' với giặc, ông rút về phủ An Cơ (thuộc xã Hảo Đước, huyện Châu Thành ngày nay) chiêu mộ quân sĩ mua sắm võ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức kháng chiến chống Pháp'.

Đền thờ quan đại thần Huỳnh Công Nghệ ở Bến Thứ, xã Tân Phong, huyện Tân Biên.

Đền thờ quan đại thần Huỳnh Công Nghệ ở Bến Thứ, xã Tân Phong, huyện Tân Biên.

Khảo sát, điền dã dọc đôi bờ sông Vịnh, cùng những trang sử viết về Tây Ninh thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, có một điều dễ nhận thấy là chân dung người chỉ huy đầu tiên của quân dân Tây Ninh trong cuộc kháng chiến này vẫn còn mờ nhạt.

Thậm chí, đối chiếu sách này với sách kia còn có những điều lầm lẫn. Ví dụ như sách “30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Biên anh hùng 1945-1975” (Ban Tuyên giáo Huyện ủy xuất bản năm 1997) có đoạn: “Sát bờ suối Trà Vong, có mộ ông lớn Tương (gọi tắt kính nể theo chức Tán tương quân vụ) hoặc ông lớn Trà Vong…”.

Trong khi đó, theo quan niệm dân gian và cả những nhà nghiên cứu thì đây chính là mộ “Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản”. Di tích bên bờ suối gồm đền thờ và ngôi mộ đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ phụng “Quan lớn Trà Vong” đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sự nhầm lẫn trên, sớm đã thấy trong sách Lược sử Tây Ninh (Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh, xuất bản năm 1986). Trong đó có đoạn: “Ở xóm Trường, xóm Vịnh thì nói là Huỳnh Công Tương (hoặc ông lớn Tương), có nơi nói lên đánh giặc ở Trà Vong có 3 ông: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Tương và Chánh Tông… Về niên đại thì các cụ đều nói là thời vua Tự Đức. Về chức vụ thì được gọi là đại thần lãnh binh và có chức Táng Tương quân vụ (kính nể không gọi tên)…”.

Không thể trách, vì đây mới chỉ là những ghi chép trong dân gian, qua trí nhớ người cao tuổi. Có điều gần đúng, có điều sai. Do vậy mới có sự nhầm lẫn giữa Khâm Tấn Tường- một nhân vật từng lãnh đạo quân dân Tây Ninh “bất tuân thượng lệnh triều đình- vua Tự Đức” rút lên miền Hảo Đước, lập phủ An Cơ chống Pháp vào những năm đầu sau Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, với Huỳnh Công Giản- người được nhân dân vùng xã Thái Bình xưa và Trà Vong, Tân Biên nay tôn xưng là Quan lớn Trà Vong vào những năm cuối thế kỷ 18 (sau 1782).

Trong các đoạn ghi chép trên, ta có thể thấy vài mâu thuẫn. Như về chức vụ. Nghiên cứu về quân sự Triều Nguyễn cho thấy đã là quan Đại thần thì không thể là Lãnh binh. Báo Lao động cuối tuần (từ 20 - 22.8.2021) đăng lại một nghiên cứu của học giả người Pháp là Louis Bezacier, in trên Tuần báo Đông Dương số 179, ngày 3.2.1944, rằng: “Đề đốc, người chỉ huy quân sự của một tỉnh quan trọng, dưới quyền ông ta có nhiều cơ.

Sau Đề đốc là Chánh lãnh binh và phó lãnh binh chỉ huy quân sự những tỉnh hạng 2…”. Vào thời vua Tự Đức, Tây Ninh chỉ là một phủ thuộc tỉnh Gia Định thì người chỉ huy quân sự cao lắm chỉ là Phó Lãnh binh, chứ không thể là một “Đại thần lãnh binh” như câu chuyện truyền tụng tại vùng Bến Trường, sông Vịnh được.

Sách Lược sử Tây Ninh (1986) tuy có sự nhầm lẫn về 2 nhân vật trong chương IV, mục 4- Sự tích ông lớn Trà Vong (trang 35) nhưng đến chương VI- Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, lại có: mục 1- Khâm Tấn Tường không tuân lệnh triều đình Huế, mô tả khá rõ về con người và sự nghiệp của nhân vật đặc biệt này (trang 57). Xin lược trích:

“Ngày 5 tháng 6 năm 1862, Phan Thanh Giản thay mặt triều đình Huế ký hiệp ước giao 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp… Ở Tây Ninh, quan đại thần Khâm Tấn Tường trấn nhậm vùng này lúc bấy giờ không tuân lệnh bãi binh của triều đình. Không “hợp tác” với giặc, ông rút về phủ An Cơ (thuộc xã Hảo Đước, huyện Châu Thành ngày nay) chiêu mộ quân sĩ mua sắm võ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức kháng chiến chống Pháp”.

Cách đánh địch của nghĩa quân chính là tận dụng bờ thành cao bên bờ sông Vịnh hõm sâu để đặt các bẫy gỗ lăn và vũ khí kết hợp có tên là “hỏa hổ”. Tuy vậy, vẫn cần trích thêm đoạn văn có 2 ý mới là: “Bọn Tây từ Tây Ninh lên tấn công bị trận địa quan đại thần đánh trả, chúng bị thương và chết khá nhiều.

Chúng phải rút lui và bỏ xác lại. Nhân dân đem xác Tây ra chôn ở trảng An Cơ. Trận sau, chúng đưa lực lượng đông hơn, có cả mặt “bọc hậu” do tên Hương trùm Hạt (ở Tầm Long) dẫn đường mới đánh bể mặt trận… Ông tử tiết để khỏi sa vào tay giặc. Nhân dân vùng này kính phục xót thương đưa xác ông chôn và lập miếu thờ tại Bến Thứ”.

Hai ý mới đó, một là: xác bọn Tây bị chết trận, đồng bọn bỏ lại được dân địa phương đem chôn ở trảng An Cơ. Hai là đến trận sau đó thì Pháp đã phá được thành phủ An Cơ, để ông phải “tử tiết”, được nhân dân chôn cất và lập miếu thờ tại Bến Thứ (nay thuộc về ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên).

Chúng tôi buộc lòng phải nghi ngờ 2 chi tiết mới kể trên, là vì: Các cuốn sách lịch sử viết về giai đoạn này, kể cả của người Pháp lẫn của các nhà nghiên cứu nước ta đều không ghi nhận gì về các trận phủ An Cơ đánh bại quân Pháp. Như cuốn “Đại Nam quốc lược sử” của Alfred Schreiner (Sài Gòn 1906) hoặc tác phẩm “Chống xâm lăng” của Giáo sư Trần Văn Giàu (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001).

Mặc dù cả hai cuốn này đều mô tả rất chi tiết các trận đánh, nhất là khi có lính Pháp bị chết. Như trận Bến Trường Đổi, nghĩa quân Pukompô và Trương Quyền chỉ tiêu diệt có 12 quan lính Pháp đã được Giáo sư Trần Văn Giàu mô tả rất kỹ, chi tiết trong tác phẩm “Chống xâm lăng”, với kết quả “Cuộc chiến đấu xảy ra rất ngắn, 7 giờ tối, tổng số 21 người lính Pháp đi theo chủ tướng chỉ còn có 9 người chạy bán sống bán chết về đồn, 11 người với sĩ quan La-sa và Lac-cơ-lô-zơ đều bị giết tại trận trong một cuộc giáp chiến không đầy nửa giờ…”.

Sách “Đại Nam quốc lược sử” kể trên cũng ghi chép rất chi tiết về trận này, với nội dung tương tự như ở tác phẩm “Chống xâm lăng”. Không lẽ, một trận nhỏ, diễn ra chỉ nửa giờ đồng hồ ấy được ghi nhận, còn trận tấn công phủ An Cơ với số đông quân Pháp, lúc ấy đã có súng thần công, quân Pháp phải bỏ lại xác chết mà chạy, lại không có một tiếng vang nào trong quá khứ?

Chi tiết thứ hai: Khâm Tấn Tường tử tiết, nhân dân an táng và lập miếu thờ tại Bến Thứ cũng không có cơ sở. Là vì ngôi miếu thờ tại đây hiện nay lại là miếu thờ Huỳnh Công Nghệ- người được huyền sử ghi là em trai “Quan lớn Trà Vong- Huỳnh Công Giản”.

Tượng thờ quan đại thần Huỳnh Công Giản tại đình Thái Ninh (phường 1, thành phố Tây Ninh).

Tượng thờ quan đại thần Huỳnh Công Giản tại đình Thái Ninh (phường 1, thành phố Tây Ninh).

Ngoài 2 chi tiết đã kể, còn một chi tiết đáng để ý nữa là Khâm Tấn Tường có một người “cháu” cùng kề vai sát cánh bên ông chiến đấu. Người dân quen gọi người này là cậu Hai. Trong trận chiến cuối cùng thì “cậu Hai” cũng hy sinh và được nhân dân chôn cất ở Trảng Mả (Sđd, trang 58). Liệu “cậu Hai” ở đây có phải là sự nhầm lẫn với “cậu Hai Quyền”, con trai Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định?

Tiếp tục truy tìm dấu tích các ông, thì tại sách “Ba thế hệ xanh, một chặng đường” của Tỉnh đoàn Tây Ninh (1998)- thuộc thể loại ký sự lịch sử cũng ghi chép về ông, nhưng tên gọi ở đây lại viết là Khâm Trấn Tường. Hay là do ông từng được gọi là quan Khâm Trấn, tên Tường?

Điều ngạc nhiên nhất chúng tôi tìm được lại nằm trong một cuốn sách viết tay mang tính chất gia phả của dòng họ Nguyễn ở bến Tầm Long. Sách do cụ Nguyễn Hồng Phan (1913-1994) biên soạn. Trong phần lưu bút, cụ có kể về những chuyện lịch sử truyền miệng trên vùng đất dòng họ mình đã và đang sống, do ông nội của cụ kể lại.

Rằng: “Quân Pháp bình định Gia Định thì kéo quân lên Tây Ninh. Quân mình cự không lại phải bỏ thành chạy lên rừng. Bà con mình chạy theo ông Phó lãnh binh tên Tương, nghe nói ông này trước là vệ ủy hay quản cơ của ông Phó lãnh binh nào đó. Khi phó lãnh binh chết, ông này không chịu đầu hàng, quân lính tôn ông này lên…”.

Đọc đến đây, đã thấy lờ mờ một hình bóng một con người thật trong lịch sử. Xin tiếp tục ở phần sau.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/kham-tan-tuong-la-ai-a138582.html