Khám phá ý nghĩa của Lễ hội kéo lửa, thổi cơm thi đầu năm tại đình làng Thị Cấm

Cứ đến mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và du khách lại có mặt tại đình làng để tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.

Khói tràn nghi hút, người dân nô nức kéo lửa, giã gạo, thổi cơm… Đây là khung cảnh náo nhiệt tại Lễ hội văn hóa truyền thống tại làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với cuộc thi kéo lửa thổi cơm.

Cứ đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, cả đình làng Thị Cấm lại nghi ngút khói lửa đến cay mắt, vang dội tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ.

Tương truyền từ đời Vua Hùng thứ 18, tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh chống lại quân Thục. Khi dẫn quân qua làng Hương Canh, ông ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội. Chiến thắng quân Thục, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất Hương Canh, dạy dân cấy lúa, dệt vải.

Sau khi qua đời, tướng quân Phan Tây Nhạc được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Thị Cấm mở Hội kéo lửa, thổi cơm thi vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm với những phần thi vô cùng độc đáo.

Theo nghi lễ, cuộc thi thổi cơm gồm có 4 đội, mỗi đội 10 người cùng tranh tài. Một người trong đội chạy ra sông Nhuệ lấy nước, hai người tham gia thổi lửa, kéo giàn tre tạo ra ma sát với bùi nhùi và rơm rạ phía dưới. Khi thấy có khói bốc lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm.

Các thành viên khác sẽ đảm nhiệm các công đoạn như giã gạo, lấy nước, vo gạo, thổi cơm cho chín đều… công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Thời gian thi bắt đầu từ khi các đội phát được lửa thổi cơm đến khi kết thúc kéo dài trong 1 giờ.

Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội thi ủ cơm vào đống than rơm để cơm chín đều. Sau một tuần hương, các thành viên của Ban Khánh tiết sẽ đi tìm 4 nồi cơm và xới 4 bát dẻo thơm để dâng cúng Thành hoàng làng. Cơm thi của các đội sau đó được chấm điểm công khai trước đông đảo dân làng.

Xuyên suốt cuộc thi, tiếng trống hội và tiếng reo hò cổ vũ của dân làng cùng du khách cùng với không gian mùa xuân vang lừng tạo nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt, hấp dẫn…

Với những giá trị văn hóa độc đáo, Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Việc tổ chức Lễ hội hằng năm vừa là cách để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời giới thiệu sản phẩm du lịch tới du khách trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-y-nghia-cua-le-hoi-keo-lua-thoi-com-thi-dau-nam-tai-dinh-lang-thi-cam-post928198.vnp