Khám phá Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng

Trong khuôn khổ Lễ khai hội làng gốm cổ Bát Tràng, ngày 23/3, UBND xã Bát Tràng đã ra mắt Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, gọi tắt là Trung tâm Thiết kế sáng tạo.

Tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm.

Ngày 14/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6385/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, hướng dẫn, phát triển Mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã (theo mô hình phân tán) trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề.

Lễ cắt băng ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng.

Ngày 28/12/2023, Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-SCT về việc Công nhận 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã năm 2023. Trong đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1000 năm Thăng Long - Thôn 1 Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đạt tiêu chí 4 sao của thành phố.

Do vậy, Sở Công Thương công bố Quyết định và gắn biển cho Trung tâm thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, việc ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo sản xuất – chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Cùng tham gia sự kiện, ông Vương Mạnh Tuấn, nghệ nhân làng Bát Tràng đánh giá, đây sẽ là nơi để các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm gốm tinh túy và đầy bản sắc của địa phương. Bên cạnh đó, điều này còn giúp giới trẻ thêm hiểu và giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Lãnh đạo, khách mời tham quan không gian Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng.

Không gian trưng bày các sản phẩm gốm tại Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng.

Sản phẩm gốm thủ công của các nghệ nhân làng Bát Tràng chế tác.

Đa dạng về mẫu sản phẩm gốm trưng bày tại trung tâm.

Người dân khám phá các sản phẩm gốm tại Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề.

Các sản phẩm gốm với họa tiết độc đáo được trưng bày tại trung tâm.

Xã Bát Tràng gồm hai thôn là Bát Tràng và Giang Cao, thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Làng Bát Tràng được hình thành từ khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, người dân làng Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra khu vực gần Thăng Long lập nên ngôi làng này.

Việt Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kham-pha-trung-tam-thiet-ke-sang-tao-lang-nghe-dau-tien-tai-bat-trang-post288962.html