Khám phá Thăng Long tứ trấn: Bài 3 - Huyền thoại đền thờ hoàng tử đánh giặc cứu nước

Mặc dù trải qua thăng trầm của lịch sử, đền Voi Phục đã có nhiều sự thay đổi nhưng vẫn là một trong những nơi linh thiêng bậc nhất mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Thần tích Đức Thánh Linh Lang đại vương

Đền Voi Phục là nơi thờ thần Linh Lang đại vương nằm trên phố Kim Mã, cạnh công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội). Ngôi đền thuộc “Thăng Long tứ trấn” nằm ở trấn phía Tây cùng với đền Bạch Mã (trấn Đông), đền Kim Liên (trấn Nam), đền Quán Thánh (trấn Bắc).

Theo sử sách ghi lại, thần Linh Lang là hoàng tử, con vua Lý Thánh Tông và cửu cung phi Hạo Nương, sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064). Tương truyền lúc mới sinh trước ngực hoàng tử có chòm sao Bắc đẩu, lưng có 28 vì tinh tú xếp như vẩy rồng.

Thấy vậy, nhà vua gọi tên là Hoàng Lang, tên vương tôn của hoàng tử nhà Lý là Hoằng Chân. Suốt tuổi thơ, Hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ) và thường cùng trai tráng trong vùng chuyên cần luyện tập võ nghệ.

Lớn lên, Hoàng tử là một dũng tướng, có công lớn đánh giặc Tống xâm lược nước Đại Việt ta ở thế kỷ XI (1075 -1077). Tiêu biểu nhất chính là trận đánh trên tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu – Bắc Ninh), Ngài đã chỉ huy đạo quân, đánh tan ý chí xâm lược của giặc Tống và tiêu diệt 5 vạn binh mã giặc.

Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Hải – thành viên của ban Quản lý khu di tích kể lại câu chuyện được dân gian lưu truyền lại rằng khi giặc Tống kéo quân sang xâm lược nước ta, nhà vua đã cho sứ giả đi khắp nơi để chiêu mộ người tài.

Khi sứ giả của vua đi ngang qua đến khu Thị Trại, hoàng tử nhờ sứ giả tâu với vua chuẩn bị cho mình một lá cờ hồng cán dài 10 trượng, một cây giáo dài và một con voi chiến.

Sứ giả vui mừng vội về tâu lại với nhà vua. Nhà vua bèn cấp đủ những thứ hoàng tử yêu cầu, ngoài ra còn cấp thêm hơn năm nghìn binh mã. Nhận được đồ vật vua ban, Hoàng Chân bèn thét lớn: “Ta là thiên tướng”.

Con voi nghe tiếng thét bèn phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử đã chỉ đạo binh mã đánh thẳng vào nơi đồn trú của giặc. Giặc Tống thấy quân ta hùng dũng xông tới, nghe tiếng voi gầm ngựa hí thì hồn siêu phách tán, bỏ gươm giáo tháo chạy thoát thân.

Trận ấy, hoàng tử và ba quân ca khúc khải hoàn, nhà vua rất đỗi vui mừng, cho mở yến tiệc khao ba quân. Vua cha rất yêu quý và muốn nhường ngôi cho Hoàng Chân nhưng chàng từ chối xin vua cha được trở về Thị Trại.

Ít lâu sau chàng mang bệnh nặng, Hoàng Chân tâu với vua: “Con không phải là người trần thế, giờ con được lệnh phải ra đi”. Hoàng tử hóa thành giao long dài 10m trườn mình xuống hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) biến mất.

Để tưởng nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại vương, Thượng Đẳng Phúc Thần. Đồng thời, cho xây dựng đền thờ tại khu Thị Trại (nay phường Thủ Lệ), đồng thời cho tạc hai con voi đá nằm phủ phục trước cửa đền, cho nên sau này, dân chúng đều gọi là đền Voi Phục.

Hiện nay, có 269 đền thờ trong cả nước đều là những nơi Linh Lang đại vương từng đi qua, trong đó đền Voi Phục là nơi quan trọng hơn cả, bởi vì đây là nơi Linh Lang đại vương sống cùng mẹ trong những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi thần hóa.

Trấn Tây kinh thành Thăng Long

Đền thờ Đức Linh Lang đại vương nhưng còn được gọi với tên khác là đền Voi Phục Thủ Lệ nằm trên đường Kim Mã thuộc phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) để phân biệt với đền Voi Phục Thụy Khê tại số 251 đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Mặc dù trải qua thăng trầm của lịch sử và dòng chảy của thời gian, ngôi đền có nhiều sự thay đổi nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghi, sự linh thiêng vốn có giữa lòng thủ đô nghìn năm.

Đường vào đền có 9 cây muỗm cổ thụ đã 900 tuổi cao lớn, xanh tốt trồng vòng quanh đền cùng thời điểm xây dựng ngôi đền (theo quan niệm của dân gian, số 9 tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn).

Xung quanh đền đều được trồng những rặng si, cây hoa lan… rợp bóng mát, ngát hương thơm. Sau đền là rừng nứa, di tích một khu rừng cổ mang cảnh quang thiên nhiên thời xa xưa của kinh thành hoa lệ.

Đền thờ Đức Linh Lang đại vương được xây trên gò Long Thủ (đầu rồng) vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời vua Lý Thánh Tông trên một gò đất bằng phẳng, rộng rãi. Tam quan ngoại và nội quay hướng Đông Nam; chính điện nhìn về hướng Đông phía hồ Thủ Lệ. Trước sân tiền tế có nhiều bậc đá khá cao dẫn xuống một cái giếng hình bán nguyệt thông với hồ Thủ Lệ.

Đền Voi Phục có kết cấu chữ “Công”, có tiền bái năm gian tường hồi bít đốc, biểu hiện uy quyền của nhà Thánh. Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hậu cung cũng có năm gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là pho tượng Đức Linh Lang đại vương với nét thanh tú, cao sang, mình khoác lụa bào. Phía trước pho tượng Ngài là một hòn đá to có vết lõm được đặt trong hộp kính, tương truyền là nơi hoàng tử Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long trườn xuống hồ.

Tuy nhiên, vị thủ từ trông coi đền cũng cho biết rằng, đây là một hòn chân tảng đá mài, được coi là chứng tích kiến trúc còn lại của thời Lý, xác nhận về vị trí Tây trấn của thành Thăng Long. Hậu đường là nơi thờ mẫu thân của Đức Linh Lang đại vương và Tam tòa Thánh mẫu, gồm năm gian có cửa bức bàn với kèo cột làm bằng gỗ lim.

Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng, trong đền còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửu võng bát bửu cùng với các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp tiền để đúc lại quả chuông cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, có đúc nổi dòng chữ Hán “Tây trấn thượng đẳng”.

Ngày 18/01/2022, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 93/QĐ – TTg công nhân Thăng Long tứ trấn – đền Voi Phục – Thủ Lệ là di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, tại đền Voi Phục diễn ra sáu lễ hội trong đó lễ hội chính của đền vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của Đức Thánh Linh Lang đại vương với các nghi thức quan trọng: rước kiệu và tế lễ.

Thuộc loại hình di tích văn hóa tín ngưỡng thờ thần, đền Voi Phục là di tích có giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, là vùng đất thiêng liêng còn lưu giữ nhiều huyền thoại lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền của người dân kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Bài liên quan

Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 1 - Huyền tích đền Quán Thánh

Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 2 - Độc đáo đền thờ "thần bảo hộ" của kinh thành Thăng Long

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở miền Nam

Chuyện ly kỳ về cặp "rắn thần" song sinh tại hai ngôi đền thiêng

Nhóm PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/kham-pha-thang-long-tu-tran-bai-3-huyen-thoai-den-tho-hoang-tu-danh-giac-cuu-nuoc-d187461.html