'Khám phá' robot đào hầm tuyến đường sắt metro Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã triển khai lắp đặt robot đào hầm thi công hầm metro Nhổn - ga Hà Nội để chạy thử trong tháng 1-2021.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau khi cập cảng Hải Phòng vào tháng 10-2020, các bộ phận của chiếc máy (robot) đào hầm TBM đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển tới công trường ga ngầm S9 - Kim Mã để lắp ghép.

Dự kiến, robot thứ hai sẽ cập cảng Hải Phòng vào cuối tháng 12 này. Máy TBM thứ 2 sẽ bắt đầu muộn hơn máy đào số 1 khoảng 3 tháng, cả 2 robot đào hầm được vận hành đào song song 2 ống ngầm, từ ga S9 và kết thúc tại ga Trần Hưng Đạo.

Hiện tại robot đào hầm TBM thứ nhất dài khoảng 90m, bao gồm hệ khiên đào và giàn phụ trợ đang được lắp đặt tại ga S9.

Đây là kiểu máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance) nên tính ổn định cao, ít làm thay đổi áp lực trong lòng đất khi đào hầm để đảm bảo tính ổn định cho các công trình lân cận.

Theo kế hoạch, robot đào hầm đầu tiên sẽ thực hiện khoan đường hầm thứ nhất đạt chiều dài 100-150m, máy thứ hai sẽ thực hiện đào đường hầm thứ hai. Hầm khoan đến đâu sẽ lắp vỏ hầm đến đấy.

Máy đào hầm của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) do Đức sản xuất.

Máy có chiều dài khoảng 90m, nặng 850 tấn, đường kính đầu cắt khoảng 6,58m, có tốc độ khoan trung bình 10 - 12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày.

Mỗi robot đào hầm tương tự như dự án Nhổn - Ga Hà Nội có giá trị khoảng 10 - 15 triệu USD. Tuy nhiên, khi đào hoàn thành xong dự án Nhổn - ga Hà Nội thì bộ phận khiên đào (đắt nhất của máy TBM) sẽ hết khấu hao và cũng không dùng cho các dự án tương tự khác. Khi hoàn thành sứ mệnh, đào xong hơn 2 km đường hầm của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì robot sẽ tự hủy.

Dự kiến chiếc máy đào hầm này sẽ hoàn thành lắp đặt và kiểm tra, chạy thử trong khoảng 2 tuần cuối tháng 1-2021, sau đó sẽ chính thức khoan hầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội.

Để có thể đưa máy xuống lòng đất ở ga ngầm S9-Kim Mã, MRB và các nhà thầu phải thực hiện phương pháp cuốn chiếu, tức là vận chuyển đường bộ rồi dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.

Trước đó, vào ngày 18-10, đoàn tàu đầu tiên của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội cũng đã được vận chuyển từ Pháp về Việt Nam và hiện đang được lắp đặt tại dự án.

Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn- ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8- Đại học Giao thông Vận tải; 4 km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kham-pha-robot-dao-ham-tuyen-duong-sat-metro-nhon-ga-ha-noi-220648.html