Khám phá những 'địa chỉ đỏ' trên dãy Trường Sơn

Dọc theo đường 20 Quyết Thắng, du khách được tham quan, tìm hiểu về nhiều di tích lịch sử, cuộc sống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên đường Trường Sơn.

Du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống của người Ma Coong khi tham gia hành trình đặc biệt này. Ảnh: Oxalis Holiday.

Bên cạnh những hang động kỳ bí, tỉnh Quảng Bình còn được biết đến với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét đặc sắc, những dấu ấn lịch sử gắn với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại (hay còn gọi là đường Trường Sơn). Đây là tuyến đường vận tải vũ khí đạn dược, lượng thực, quân trang... từ hậu phương chi viện cho tiền tuyến.

Sau hơn 50 năm, những tuyến đường Trường Sơn đã được hiện đại hóa, số còn lại dần bị thời gian xóa đi những vết tích lịch sử. Chỉ còn đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ phà Xuân Sơn xuyên giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sang đến nước bạn Lào là còn khá nguyên sơ.

Là con đường huyết mạch nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây, đường 20 Quyết Thắng là nơi diễn ra nhiều trận chiến máu lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ tổ quốc.

Tham gia “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại”, du khách sẽ được ghé thăm đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP (Cà Roòng, cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) - nơi còn được gọi là “túi bom” của Trường Sơn.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ảnh: ĐVCC.

Băng qua những cánh rừng hoang sơ trên dãy Trường Sơn hùng vĩ cạnh biên giới Việt - Lào, tour đưa khách sống lại những thời khắc lịch sử qua các câu chuyện kể của người lính cụ Hồ, ghé thăm hang Tám Cô, hang Y Tá, cột mốc biên giới Việt - Lào... vẫn bền bỉ hiện diện giữa rừng. Mọi người sẽ có cơ hội lắng, tìm hiểu công việc của những chiến sĩ bộ đội biên phòng đang thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ biên giới.

Ngoài ra, du khách sẽ thăm bản Tuộc của người Ma Coong, một nhánh của dân tộc Bru-Vân Kiều, nơi có lễ hội đập trống nổi tiếng của 18 bản đồng bào dân tộc vùng biên giới. Tại đây, khách được trò chuyện, tìm hiểu về văn hóa, bản sắc, trải nghiệm ăn trưa với những món nếp nương, gà nướng, cá suối, rau rừng được chính tay người đồng bào chuẩn bị.

Lê Thanh Vương (sống tại Đồng Hới) cho biết: "Chuyến đi cho tôi hiểu thêm nhiều về lịch sử hào hùng của các chiến sĩ Trường Sơn, các thanh niên xung phong đã chiến đấu anh dũng trên tuyến đường 20 Quyết Thắng này".

Trong hành trình, anh đã có cơ hội thắp những nén hương tri ân những người đã nằm xuống cho hòa bình dân tộc, đặt chân đến cột mốc biên giới Việt - Lào, nơi giáp ranh giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây trong bài hát nổi tiếng mà anh từng được nghe rất nhiều.

Các hoạt động khám phá cảnh quan, tìm hiểu văn hóa được đan xen trong suốt hành trình. Ảnh: ĐVCC.

Tour là hành trình đồng hành cùng các cựu chiến binh và gia đình cựu binh trở về thăm những "địa chỉ đỏ" cuộc của kháng chiến máu lửa và nhang khói cho đồng đội đã nằm xuống.

Từng trải qua 3 tháng hành quân trên tuyến đường Trường Sơn, ông Nguyễn Đức Quang (tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt) bày tỏ: "Rất cần những tour du lịch như 'Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại' để công chúng được biết đến một Trường Sơn chi tiết, máu thịt, nước mắt và đời thường một cách kỳ lạ bên trong cái danh xưng 'Trường Sơn' đã quá nổi tiếng vẫn được xướng lên trong những chương trình kỷ niệm".

Cột mốc biên giới, cửa khẩu Cà Roòng, nơi người dân 2 tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và Khăm Muộn (Lào) qua lại bằng giấy thông hành mà không cần hộ chiếu.

"Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại" được Oxalis Holiday vận hành hàng ngày. Các cựu chiến binh và đội ngũ thanh niên xung phong sẽ được hoàn toàn miễn phí khi tham gia tour cùng người thân và bạn bè như một lời tri ân.

Tour du lịch còn mang khách đến với những cánh rừng nguyên sơ trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi từng bị bom đạn thiêu rụi nay đã phục hồi xanh tươi mạnh mẽ, ghé thăm thác Bụt - một thác nước tự nhiên độc đáo nằm dọc con đường Hồ Chí Minh.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/kham-pha-nhung-dia-chi-do-tren-day-truong-son-post1458139.html