Khám phá 'những câu chuyện thú vị' tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ngày 6/7/2023, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày mất của ông.

Không chỉ tái hiện chân dung vị tướng tài qua những câu chuyện gây xúc động cho khách tham quan, thông qua hệ thống tư liệu hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, công chúng có thể thấy được một phần lịch sử của dân tộc.

Mỗi hiện vật, một câu chuyện

Tròn một năm sau khi Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại TP. Huế chính thức hoạt động, ngày 6/7/2023, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội cũng mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm.

Tọa lạc tại 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được gia đình Đại tướng đóng góp xây dựng, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước.

Tượng chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng.

Thiết kế kiến trúc của tòa nhà Bảo tàng gồm 3 tầng nổi và 1 tầng hầm, được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, Hà Nội, nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình đã ở trong giai đoạn 1958 - 1986. Tại ngôi nhà 34 Lý Nam Đế này, Đại tướng đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đây cũng là nơi diễn những cuộc họp của Bộ Chính trị, là nơi ra đời những quyết sách rất đặc biệt, mở ra những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đại tá Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, không gian trưng bày của Bảo tàng được chia thành 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - hành trình tiếp nối. Ngoài ra còn có các tiểu chủ đề: Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Ông tướng du kích...

Bảo tàng lưu giữ hơn 200 hình ảnh, gần 220 hiện vật, tài liệu giấy, 10 tài liệu khoa học phụ, 6 phim tài liệu, thư viện với hơn 100 đầu sách do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết và các tác giả viết về Đại tướng. Nơi đây cũng trưng bày 23 pho tượng đồng gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đại tướng từ khi tham gia cách mạng đến khi ông từ trần năm 1967. Đặc biệt, tại Bảo tàng có hai không gian được phục dựng theo nguyên mẫu là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc của Đại tướng tại Trung ương Cục miền Nam, cùng một số hiện vật gốc lần đầu được công bố.

Phòng làm việc của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế được tái hiện chân thực tại bảo tàng.

Theo Đại tá Phạm Văn Phi, các hiện vật, tài liệu trưng bày trong Bảo tàng tái hiện tương đối đầy đủ thân thế và sự nghiệp cách mạng của cố Đại tướng, về quê hương Thừa Thiên Huế, về quá trình xây dựng quân đội, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

“So với Bảo tàng Đại tướng ở Huế, Bảo tàng tại Hà Nội có một số nét mới khi nội dung trưng bày mở rộng hơn, hiện vật trưng bày phong phú hơn. Tại không gian tái hiện căn phòng làm việc của Đại tướng ở 34 Lý Nam Đế, tất cả hiện vật từ chiếc giường cá nhân, chiếc ghế mây, bộ bàn ghế tiếp khách, chiếc đàn piano... đều là những vật dụng được Đại tướng sử dụng lúc sinh thời”, Đại tá Phạm Văn Phi cho hay.

Còn theo PGS.TS Bùi Chí Trung - Cố vấn Bảo tàng, phần lớn hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là hiện vật gốc mà gia đình đã lưu giữ được. Xuất phát những trăn trở, tình cảm, mong muốn của gia đình, nhóm tư vấn đã xây dựng bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật về Đại tướng mà còn cố gắng phục dựng nên không khí của một thời kỳ, từ mô hình ngôi nhà 34 Lý Nam Đế đến không gian làm việc của Đại tướng... Tuy nhiên, ông Trung cũng nhấn mạnh, đó chưa phải là những điều đặc sắc nhất mà bảo tàng mang đến cho khách tham quan.

“Có thể nói, đằng sau mỗi hiện vật ở đây là một câu chuyện. Chẳng hạn, trong bản gốc những bức thư viết cho phu nhân, Đại tướng đã gạch hết tất cả phần tiêu đề ghi chức danh. Điều đó nói lên phẩm cách con người Đại tướng, qua đó mọi người có thể hiểu thêm về con người ông. Với Bảo tàng này, chúng tôi muốn mang tới một thông điệp, đó là chúng ta không chỉ cần quan tâm bảo tàng có bao nhiêu hiện vật mà đằng sau mỗi hiện vật đó còn ẩn chứa những câu chuyện thú vị”.

Một số vật dụng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Gắn kết vai trò danh nhân và lịch sử

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với việc xây dựng bảo tàng này, ông và gia đình không có ý định tôn vinh thêm về cha mình, mà chỉ kỳ vọng Bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước.

Chia sẻ thêm về điều này, Đại tá Phạm Văn Phi cho biết, mặc dù đây là một bảo tàng về một danh nhân nhưng thông qua câu chuyện về một nhân vật lịch sử cụ thể, những hiện vật tại bảo tàng đã kể rõ hơn từng bước đi của cách mạng Việt Nam, từ khi thành lập Đảng đến khi đất nước giành được độc lập và bước vào hai cuộc kháng chiến sau này. Trong đó, vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những nhà cách mạng cùng thời với ông đã được in dấu rõ rệt.

Thông qua những hiện vật về một con người cụ thể là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vai trò của Đại tướng thì Bảo tàng cũng trưng bày, giới thiệu sâu hơn về quá trình hình thành quân đội cũng như việc Đại tướng trực tiếp tham gia chỉ đạo cách mạng Việt Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng quân Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.

Đại tá Phạm Văn Phi giới thiệu về các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.

“Những hình ảnh, nhân vật liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều có trong hệ thống trưng bày. Những hiện vật này đều gắn kết và được trưng bày song song cùng với trưng bày nói về thân thế sự nghiệp và cuộc đời của Đại tướng. Thông qua đó, công chúng hiểu được công cuộc cách mạng của Việt Nam qua từng giai đoạn, trong đó có bước chân của Đại tướng”, ông Phi chia sẻ.

Nhiều chuyên gia bày tỏ ấn tượng trước hệ thống hiện vật phong phú và cho rằng, đây là bảo tàng của cả một thời đại hào hùng, ghi dấu ấn một nhân vật vĩ đại gắn bó với vận mệnh dân tộc. Bảo tàng sẽ là không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp chúng ta thấm nhuần hơn nữa lòng tự hào và tinh thần yêu nước.

Chia sẻ cảm nghĩ về không gian và ý nghĩa của Bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, thông điệp của Bảo tàng rất rõ ràng, nó kể với chúng ta câu chuyện về một người Đại tướng rất bình dị nhưng cũng rất vĩ đại.

Với việc có những bảo tàng như vậy và nhiều bảo tàng tư nhân khác, sẽ giúp cho thế hệ tương lai hiểu 90 hay 100 năm trước, dân tộc Việt Nam đã đứng lên giành lại được độc lập tự do như thế nào. “Đó là ý nghĩa của Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh cũng như rất nhiều bảo tàng tư nhân khác đã và sẽ có mặt trong đời sống văn hóa của chúng ta”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Bức tượng đồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi phương án tác chiến tháng 7/1967.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, đây không phải là Bảo tàng tư nhân bình thường, mà là Bảo tàng của cả một thời đại hào hùng, ghi dấu ấn một nhân vật vĩ đại gắn bó với vận mệnh dân tộc. Bảo tàng sẽ là không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp chúng ta thấm nhuần hơn nữa lòng tự hào và tinh thần yêu nước.

“Sinh viên từ các ngành học về lịch sử, khoa học xã hội nên ghé thăm Bảo tàng như một cách tiếp cận với địa chỉ giáo dục trực quan. Và thế hệ mai sau có thể đưa bảo tàng thành trung tâm nghiên cứu nhân vật, thời đại lịch sử”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kham-pha-nhung-cau-chuyen-thu-vi-tai-bao-tang-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-post255002.html