Khám phá nét đẹp độc đáo của lễ hội làng cổ Bát Tràng

Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội được biết đến là một trong những lễ hội độc đáo nhất của Thủ đô về những giá trị lịch sử, văn hóa của làng nghề gốm.

Làng gốm sứ Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Nằm trong quần thể di tích của làng gốm sứ cổ truyền Bát Tràng, đình Bát Tràng được xây dựng vào năm 1720. Với kiến trúc bề thế, đình quay về hướng Tây, nhìn ra dòng sông Hồng. Kiến trúc đình theo lối chữ Nhị, phía sau là Hậu cung, nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng. Phía trước là tòa Đại bái gồm 5 gian 2 trái với hai tầng bục gỗ và được dựng bởi nhiều cây cột gỗ lim lớn hàng vòng tay người ôm không xuể. Chính giữa tòa Đại bái là hương án thờ Công đồng, bên trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng lớn: "Thiên địa hợp kì đức" 天地合其德(Đức lớn thuận theo trời và đất).

Đình làng Bát Tràng – nơi lưu giữ dấu ấn các vị đại khoa.

Bên cạnh Đình Bát Tràng, một trong số những ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa, làng Bát Tràng đến nay còn giữ gìn được nhiều di chỉ văn hóa, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo khác.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt - một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3.700 m², với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Trưng bày các sản phẩm làng nghề, kết nối các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Không gian kiến trúc nghệ thuật độc đáo này là nơi gìn giữ và lan tỏa tinh hoa nghệ thuật gốm Bát Tràng, mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng, trải nghiệm những nét đẹp tinh hoa của làng nghề Việt.

Nghệ nhân Bùi Thanh Tùng trực tiếp vuốt từng sản phẩm trước khi tới tay người chơi gốm Việt.

Không chỉ được biết đến với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng khắp năm Châu, làng gốm sứ Bát Tràng còn được biết đến bởi di sản văn hóa và nghệ thuật độc đáo - lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng. Lễ hội cũng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua cho du khách thập phương và bạn bè Quốc tế. Là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung.

Đây cũng là dịp để thế hệ sau này thể hiện sự tự hào và tưởng nhớ các bậc tổ nghiệp đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm thực sự tinh xảo mang tâm hồn người Việt.

Công tác chuẩn bị các hoạt động của lễ hội đã sẵn sàng.

Theo phong tục truyền thống lễ hội gồm có phần lễ và phần hội:

Phần lễ: Lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị được diễn ra từ Miếu Bát Tràng và rước về Đình Bát Tràng, buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với cờ phướn và kiệu đỏ rực rỡ giữ một vùng.

Mâm lễ dâng lên rất hoành tráng được gọi là Tam chính gồm 1 Con trâu tơ thui béo, 1 con dê thui béo, 1 con heo sữa quay. Mâm cỗ bao gồm 6 mâm cỗ mặn và 4 mâm xôi.

Sau khi tế lễ xong, các quan viên chức sắc đại diện các dòng họ trong làng sẽ chia nhau mâm hưởng lộc thánh như là phần thưởng mà Thánh ban cho người dân.

Lễ rước nước là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, phần nghi lễ được thực hiện nghiêm trang. Chủ tế lễ sau khi dâng lễ lên thần sông sẽ đại diện dân làng xin nước thiêng từ sông Hồng và lọc qua tấm vải đỏ để rước nước về Đình cổ Bát Tràng

Lễ nhập thủy - Lễ tế thần.

Phần hội: Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi đặc sắc khác nhau và tạo nên nét đặc trưng riêng những nổi bật và ấn tượng nhất có lẽ là trò chơi cờ người và hát thờ. Để tổ chức cho trò cờ người thì hai đội chơi sẽ chọn ra 2 bà tướng cờ được cho là người người có phẩm hạnh, đạo đức tốt và giàu có nhất trong làng để làm tướng. Mỗi tướng bà sẽ nhận nuôi 16 thiếu nữ độ tuổi từ 10 đến 15 vừa xinh đẹp vừa nết na để nuôi ăn uống và cho mang áo quần đẹp. Các cô gái sẽ được cho rèn luyện tập làm cờ người trong một tháng mới được thi đấu trình diễn ở sân đình.

Những chuẩn bị công phu cả tháng trời đủ để thấy trò chơi này quan trọng và hấp dẫn đến thế nào. Sau 3 chầu thi và 4 chầu cầm cờ đội nào vượt qua sẽ được hát thờ trong lễ hội của năm.

Đến với du lịch lễ hội làng nghề Bát Tràng ngoài được vui chơi giải trí, thì còn có những hoạt động thưởng thức nghệ thuật có chút trầm lắng bên những sản phẩm gốm hay tận hưởng những khoảnh khắc tự tay mình nặn những sản phẩm gốm. Đây còn là cơ hội để tìm thấy những món gốm tinh xảo, được chế tác tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân.

Bên cạnh đó, những năm gần đây lễ hội làng nghề Bát Tràng còn tổ chức các trận thi đấu thể thao, giao lưu quan họ trên hồ Long Nhỡn để thu hút thêm sự chú ý của du khách, làm lễ hội mới mẻ hơn qua từng năm cũng như giúp gắn kết tình cảm hiếu hảo của người dân các làng.

Lễ khai hội làng Bát TràngLễ khai hội làng Bát Tràng năm nay được diễn ra từ ngày 23-25/3/2024. Lễ hội gồm các hoạt động chính như: Dân làng dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn ) sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ (ngày 23/3 tức ngày 14/2 ÂL). Đoàn cấp thủy, thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ, dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, đền Mẫu Bản Hương. Tiếp đó, tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long, thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công thương; ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng. Cuối cùng, đoàn rước thủy bộ tập kết về đình dâng lễ Tế Thánh.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kham-pha-net-dep-doc-dao-cua-le-hoi-lang-co-bat-trang-86361.html