Khám phá nét đặc biệt, hấp dẫn của làng nghề lược sừng Thụy Ứng

Với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của các nghệ nhân tài hoa, những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được tạo ra từ sừng tại Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội đã hấp dẫn du khách khắp nơi.

Các sản phẩm chế tác từ sừng

Các sản phẩm chế tác từ sừng

Những năm qua, Thụy Ứng không chỉ phát triển nghề truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm riêng biệt, mà còn trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Độc đáo và nức tiếng gần xa

Theo tài liệu lưu tại nhà thờ Tổ nghề và được các cao niên trong làng kể lại, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín có lịch sử gần 500 năm. Trải qua bao thăng trầm, nghề chế tác sừng trâu, sừng bò vẫn được nhiều thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ở mỗi lớp thợ đều có tính kế thừa và sáng tạo, để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Cho đến ngày nay, vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ về ông tổ của làng nghề mà chỉ biết, nghề làm lược sừng là do một vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy.

Để tỏ lòng biết ơn, năm 1932, dân làng đã xây dựng nhà thờ Tổ nghề lược sừng Thụy Ứng và vào ngày 15.2 Âm lịch, người làng nghề tổ chức tế lễ, dâng hương để tưởng nhớ công ơn Tổ nghề đã truyền dạy cho người dân.

Một công đoạn trong quá trình chế tác, sản xuất sản phẩm từ sừng

Một công đoạn trong quá trình chế tác, sản xuất sản phẩm từ sừng

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử chia sẻ, “Dân làng chúng tôi rất tự hào và cảm thấy may mắn vì đã được cha ông để lại cho nghề chế tác sừng, rất hiếm và độc đáo. Hiện, chưa có làng nghề thứ hai của Hà Nội làm lược sừng”.

Sau khi được "Ông tổ" nghề truyền dạy, dân làng làm nghề và phát triển nối tiếp từ đời này qua đời khác. Lúc đầu, chiếc lược có hình vuông, răng đều nhau, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi, có cả loại lược răng mau, răng thưa, được tạo hình đa dạng. Chiếc lược được chế tác từ sừng trâu, sừng bò không những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu so với lược làm bằng gỗ, nhựa. Chiếc lược sừng nhỏ bé, nhưng làm theo thủ công truyền thống, người thợ phải thực hiện hơn 30 công đoạn khác nhau. Từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ lửa, ép phẳng, tạo thành phôi khuôn mẫu chiếc lược rồi mới cắt răng, đánh bóng… Công đoạn nào cũng đòi hỏi người thợ khéo léo, tỉ mỉ, kỳ công và chính xác.

Những người thợ đang tỉ mỉ làm ra những chiếc lược

Những người thợ đang tỉ mỉ làm ra những chiếc lược

Ngày nay, việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại đã giúp cho việc cắt, mài bóng răng lược trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, thậm chí một số công đoạn còn thực hiện ý tưởng của người thợ tự động bằng máy móc theo lập trình sẵn. Có những hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, thiết bị hiện đại để giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Anh Nguyễn Thành Trung, người thợ làng Thụy Ứng, cho biết thêm: Sừng trâu, sừng bò để làm được lược phải đạt đủ độ dày, rộng, tùy theo chất lượng và nguồn cung cấp. Sừng trâu trắng bây giờ là nguồn cung cấp khan hiếm nhất nên giá trị, chất lượng cao nhất.

Những sản phẩm từ sừng được làm ra độc đáo, tinh xảo

Những sản phẩm từ sừng được làm ra độc đáo, tinh xảo

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất những chiếc lược sừng, người thợ Thụy Ứng còn chế tác từ sừng những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, như: Trâm cài tóc, vòng tay, khung tranh, ảnh nghệ thuật, môi thìa, bát đĩa và cả những con tôm, con rồng, phượng hoàng, chim đại bàng, hộp đựng đồ trang sức… Qua đôi bàn tay khéo léo và bằng sự tìm tòi, sáng tạo của người thợ, những sản phẩm được chế tác từ sừng không chỉ có giá trị kinh tế cao, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã mà còn đang đáp ứng được tất cả nhu cầu về cơ chế thị trường, thị hiếu của người sử dụng. Nhiều sản phẩm mỹ nghệ ở Thụy Ứng được chế tác từ sừng cực kỳ tinh xảo, đòi hỏi đầu tư thời gian, tâm sức rất lớn, được khắp nơi trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang nhiều nước, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Gian hàng trừng bày lược sừng

Gian hàng trừng bày lược sừng

Điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách

Du khách đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A về phía Nam, đến ga Thường Tín rẽ vào Tỉnh lộ 427 về hướng Tây, đi chừng 3km là đến làng Thụy Ứng, nơi làng quê mang vẻ đẹp yên bình, giàu truyền thống văn hóa. Hiện nay, địa phương đang đầu tư xây dựng, phát triển theo hướng du lịch làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm cộng đồng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng, cho biết: Ngày 26.10.2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4072/QĐ-UBND, về việc công nhận điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Điểm du lịch đi vào hoạt động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân. Qua đó, khai thác được tiềm năng, lợi thế của làng nghề, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.

“Thụy Ứng được công nhận là điểm du lịch làng nghề là một cơ hội mới đối với người thợ chúng tôi, đặc biệt là du lịch làng nghề trải nghiệm. Với lòng yêu nghề và sự lan tỏa giá trị sản phẩm của hàng thủ công mỹ nghệ, chúng tôi dành toàn bộ tâm huyết để phục vụ cũng như tạo ấn tượng với du khách” Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lược sừng Thụy Ứng Nguyễn Xuân Huy nhấn mạnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, chia sẻ thêm “Chúng tôi sẵn sàng đón khách du lịch và kể những câu chuyện về chiếc lược sừng, cũng như giới thiệu về nền văn hóa, sự phát triển của làng nghề. Bên cạnh đó, du khách tham quan tìm hiểu làng nghề, biết được những dụng cụ từ thời cha ông đã sáng tạo ra. Những dụng cụ thủ công là gốc gác quan trọng của làng nghề chúng tôi”.

Nhiều sản phẩm bắt mắt

Nhiều sản phẩm bắt mắt

“Khi đến đây, chúng tôi được tham quan làng nghề và nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của bà con nơi đây. Quá trình tham quan, tôi được chứng kiến các công đoạn để tạo ra một sản phẩm. Tôi không nghĩ để làm ra một chiếc lược hay một chiếc vòng tay lại tốn nhiều thời gian và tâm huyết của người thợ như vậy. Nhưng phải công nhận những sản phẩm được làm ra cực kỳ đẹp và tinh tế”, du khách Trương Thị Hồng Nhung nói.

Sau khi được công nhận là điểm du lịch, UBND xã Hòa Bình đã đẩy mạnh việc tập huấn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, các hộ dân về kiến thức và kỹ năng phục vụ du lịch. Thường xuyên rà soát các thiết bị về phòng cháy chữa cháy; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng đó, chú trọng đầu tư trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát tại các tuyến đường, các khu vực có công trình công cộng, di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Tập trung huy động nguồn lực xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp, hệ thống thu gom rác thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định. Các tuyến giao thông vào điểm du lịch làng nghề cũng được trải nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và đi lại của du khách...

Nhiều du khách quan tâm đến các sản phẩm của làng nghề

Nhiều du khách quan tâm đến các sản phẩm của làng nghề

Vài năm trở lại đây, làng nghề đã đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm, nghiên cứu... sản phẩm độc đáo từ sừng truyền thống. Du khách đến với Làng nghề lược sừng Thụy Ứng rất đa dạng, khách đi tham quan du lịch theo tour, cá nhân, hộ gia đình hoặc theo nhóm người. Khách có thể tham quan trải nghiệm trong ngày hoặc lưu trú qua đêm, được hướng dẫn theo chương trình, lịch trình tại từng khu, từng mô hình trong điểm du lịch với nhiều hoạt động khác nhau.

Thời gian tới, xã Hòa Bình sẽ tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách. Đồng thời, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Ngân Anh - Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/kham-pha-net-dac-biet-hap-dan-cua-lang-nghe-luoc-sung-thuy-ung-i340233/