Khám phá hình tượng voi trên cổ vật vô giá của Việt Nam

Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng voi mang nhiều tầng lớp ý nghĩa đặc sắc. Cùng khám phá điều này qua những cổ vật quý giá thuộc về nhiều thời kỳ lịch sử.

Hình tượng voi trên trống đồng Hồi Xuân, thuộc loại trống đồng Heger II, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cho đến nay, ý nghĩa của hình ảnh voi trên trống đồng vẫn chưa được giải mã. Chỉ có thể chắc chắn một điều rằng voi đã là loài vật gần gũi với người Việt từ hàng ngàn năm trước.

Bức tượng voi trong bộ tượng 10 linh thú thời Lý ở chùa Phật Tích, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Hình tượng voi ở đây là một ẩn dụ Phật pháp, hàm chứa sức mạnh thể chất và tâm thức, cũng như trách nhiệm và tính chân thật của người tư Phật.

Mảnh thạp gốm hoa nâu trang trí cảnh đấu võ thời Trần, với sự xuất hiện của con voi có ngà dài, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hiện vật này thể hiện tầm quan trọng của lực lượng voi chiến trong quân đội của vương quốc Đại Việt xưa.

Voi đội bình làm bằng gốm men rạn, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Theo quan niệm của người Việt xưa, hình tượng voi trong đồ thờ cúng tượng trưng cho sự kiên định và trong sạch.

Ấm hình voi bằng đồng thuộc triều đại Tây Sơn, cuối thế kỷ 18, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TP. HCM. Vào thời Tây Sơn, sức mạnh của lực lượng voi chiến đã đạt đến đỉnh cao. Hình tượng voi có vị trí quan trọng trong các đồ vật tạo tác thuộc triều đại này.

Lư hương đồng hình voi, triều Tây Sơn, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TP. HCM. Voi chiến đã góp công đầu cho nhiều chiến thắng của quân đội Tây Sơn, đỉnh cao là lần đại phá 19 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Hỉnh ảnh voi trên Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong Bảo vật quốc gia - Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh gồm 9 chiếc đỉnh bằng đồng được đúc vào năm 1835-1837, được ví như một bộ Bách khoa toàn thư bằng hình ảnh về nước Việt Nam đầu thời nhà Nguyễn.

Tượng voi làm bằng đá cát của văn hóa Chăm, thế kỷ 10, khai quật tại Trà Kiệu, Quảng Nam, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hình tượng voi xuất hiện rất phổ biến trong các tác phẩm điêu khắc của người Chăm xưa.

Tượng voi đá của người Chăm ở thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của vương quốc Champa từ năm 999 đến 1471, nay nằm ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bức tượng này cao tới 2 mét, là tượng voi lớn nhất từng được biết tới của điêu khắc Chăm.

Đối diện với voi lớn của thành Đồ Bàn là voi nhỏ, có chiều cao khoảng 1,7 mét. Cũng như người Việt, người Chăm xưa là bậc thầy trong thuần hóa, huấn luyện voi phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kham-pha-hinh-tuong-voi-tren-co-vat-vo-gia-cua-viet-nam-1622690.html