Khám phá hang Con Moong nơi cư trú của người tiền sử

Hang Con Moong là nơi cư trú của người tiền sử, có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, khảo cổ của nhân loại.

Hang Con Moong (tiếng mường nghĩa là con thú) nằm tại xã Thành Yên, huyện Thạch, tỉnh Thanh Hóa.

Hang Con Moong được phát hiện năm 1974, năm 2007 được công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia và 2016 được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch (VH-TT-DL) trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt.

Hang ở độ cao 147m so với mực nước biển, nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại khoảng 240 triệu năm. Độ dài hang khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m. Hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

PGS - TS Nguyễn Khắc Sử trao đổi với các nhà khoa học về giá trị của hang Con Moong.

Một ngày đầu năm Giáp Thìn, PV Người Đưa Tin có dịp tháp tùng Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng các nhà khoa học về địa chất, văn hóa; Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa và đại diện chính quyền địa phương tham quan, nghiên cứu, khảo sát tại hang Con Moong.

Các nhà khoa học và đại diện chính quyền địa phương chụp ảnh lưu niệm tại chân núi dưới hang Con Moong.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho hay, hang Con Moong là một trong những hang động nổi tiếng, có giá trị lớn về mặt khảo cổ, lịch sử, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài các nhà khảo cổ học Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Nga thì hang Con Moong còn có sự phối hợp nghiên cứu của các đoàn chuyên môn về khảo cổ học từ Mỹ, Pháp, Úc …

Hang Con Moong nơi cư trú của người tiền sử.

Theo PGS - TS Nguyễn Khắc Sử, qua nghiên cứu, khảo cổ, các nhà khoa học đã phát dựng được về lịch sử văn hóa của cộng đồng cư dân. Tức là từ 50 nghìn năm trở lại đây đã xác định có sự sống của con người ở đây khi tìm thấy các công cụ đã sử dụng để săn bắt hái lượm.

Như vậy sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về sự phát triển của con người từ kinh tế săn bắt hái lượm độc tôn sang sản xuất sơ khai. Xung quanh đây có rất nhiều hang động khác và mỗi hang động nó giống với mỗi giai đoạn nhất định của hang Con Moong.

Từ đây sẽ cho chúng ta hình ảnh và sự chuyển cư từ làng cổ, làng gốc ra khu vực xung quanh. Và các cộng đồng cư dân đó hợp lại thành các cộng đồng cư dân lớn hơn và gắn với cộng đồng Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Chúng ta cần phải bảo tồn các di tích này và phát huy nó, cần phải đưa nó vào thành di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Từ đó các du khách, nhà khoa học trên thế giới có thể đến đây tìm hiểu, học tập, trải nghiệm sự tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân tiền sử tại vùng đất huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Bên trong hang Con Moong đã được các nhà khoa học nhiều lần khai quật, nghiên cứu.

PGS - TS Nguyễn Khắc Sử và các nhà khoa học tìm hiểu, ghi nhận các trầm tích tại nơi cư trú của người tiền sử.

Bộ hài cốt ngồi bó ngối tìm thấy tại hang Con Moong được lấp lại, đánh dấu bằng hòm gỗ để bảo tồn phục vụ công tác nghiên cứu.

PGS - TS Nguyễn Khắc Sử đang giải thích, chỉ dẫn cho các nhà khoa học về các địa tầng ứng với các thời kỳ phát triển của lịch sử loài người.

Ông Nguyễn Quốc Đại, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện Thạch Thành cho biết, Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt hang Con Moong hiện đang được giao cho đơn vị tạm thời quản lý.

Chính quyền địa phương đã và đang phối hợp với đoàn các nhà khoa học do PGS – TS Nguyễn Khắc Sử đứng đầu và Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa tiến hành khai quật, nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị cho hội thảo khoa học cấp tỉnh. Mục tiêu là sẽ trình UNESCO công nhận hang Con Mong là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kham-pha-hang-con-moong-noi-cu-tru-cua-nguoi-tien-su-a652320.html