Khám phá bộ sưu tập côn trùng siêu 'khủng' của phố núi Đà Lạt

Cùng khám phá thế giới muôn màu của các loài côn trùng ở khu vực Tây Nguyên qua bộ sưu tập côn trùng quy mô lớn ở thành phố Đà Lạt.

Nằm trong khuôn viên Viện Sinh học Tây Nguyên ở TP Đà Lạt, Bảo tàng Sinh học là nơi lưu trữ và trưng bày hàng nghìn mẫu động, thực vật phổ biến tại khu vực Tây Nguyên. Bộ sưu tập côn trùng của Bảo tàng khá đồ sộ, với hàng trăm mẫu vật thuộc nhiều loài côn trùng khác nhau.

Các loài côn trùng ở nơi đây được phân chia theo các bộ, họ. Trong hình là họ Bọ que (Phasmatidae). Các loài côn trùng thuộc họ này có vẻ ngoài trông giống cành cây khô, một số loài dài hơn 30 cm. Chúng có khả năng tái tạo chi bị mất.

Bộ Bọ ngựa (Mantodea) gồm những loài côn trùng săn mồi có hình dáng đặc thù với cái đầu hình tam giác và cặp càng sắc bén khum khum trước ngực. Sự đa dạng của các loài bọ ngựa có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) với hai họ tiêu biểu là họ Muỗm (Tettigoniidae) họ Dế mèn (Gryllidae), quy tụ nhiều loài châu chấu, cào cào, muồm muỗm, dế... quen thuộc ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Bộ Cánh cứng (Coleoptera) chiếm đến 40% số loài côn trùng đã biết, được chia thành rất nhiều họ khác nhau.

Trong bộ Cánh cứng, họ Xén tóc (Cerambycidae) gồm những loài bọ cánh cứng có cơ thể thuôn dài, hàm khỏe, cặp râu cứng cáp dài gấp nhiều lần thân.

Họ Kẹp kìm (Lucanidae) gồm những loài bọ cánh cứng mà con đực có cặp hàm đặc biệt phát triển.

Họ Bọ hung (Scarabaeidae) với đại diện tiêu biểu ở Tây Nguyên là bọ hung năm sừng (Eupatorus gracilicornis).

Một mẫu bọ hung ba sừng (Chalcosoma atlas) ấn tượng.

Họ Bọ cánh cứng ăn lá (Chrysomelidae) với đại diện là Bọ đùi ếch (Sagra buqueti).

Bộ cánh nửa (Hemiptera) với các họ Cà cuống (Belostomatidae) và họ Bọ cạp nước (Nepidae). Các loài bọ xít và ve sầu cũng thuộc bộ côn trùng này.

Các loài côn trùng có hại thuộc họ Bọ xít (Pentatomidae) bị "bêu tên" ở Bảo tàng Sinh học.

Bộ Cánh vảy (Lepidoptera) gồm các loài bướm và bướm đêm. Màu sắc cánh bướm được hình thành từ các lớp vảy phấn, như những viên ngói xếp trên cánh.

Minh họa trực quan về vòng đời của bướm khế (Attacus atlas) loài bướm đêm lớn nhất thế giới. Được ghi nhận ở khu vực Tây Nguyên, loài bướm này có thể đạt sải cánh 25-30 cm.

Kén tằm và các sản phẩm từ tơ tằm, được thu hoạch từ ấu trùng của loài bướm tằm đã được thuần hóa có tên khoa học là Bombyx mori.

Các mẫu tằm và nhộng tằm được ngâm trong dung dịch bảo quản. Không chỉ cung cấp tơ, nhộng tằm còn là món ăn ngon và bổ dưỡng.

Mẫu tổ ong đất hay ong bắp cày (Vespa velutina), loài ong rừng nổi tiếng về độ hung hãn và nọc độc mạnh.

Bên cạnh các loài côn trùng, Bảo tàng Sinh học còn có mẫu vật của các loài thuộc lớp chân Chân môi (Chilopoda) và Chân đôi (Diplopoda), gồm rết và cuốn chiếu.

...Và cả lớp Hình nhện (Arachnida), với đại diện là bộ Bọ cạp (Scorpiones).

Mời quý độc giả xem video: Khám phá thế giới của loài bọ ngựa | VTV2.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kham-pha-bo-suu-tap-con-trung-sieu-khung-cua-pho-nui-da-lat-1753264.html