Khai thông con đường đưa sách Việt ra thế giới

Đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài không chỉ cần tới nỗ lực của một số tổ chức hay sự tích cực của một vài cá nhân mà phải xây dựng những kế hoạch dài hạn, hiệu quả; cần có những chính sách hỗ trợ cùng với nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện.

Ảnh minh họa

Nỗ lực đưa sách Việt xuất ngoại

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố vào đầu năm 2017, hiện nay, xuất bản phẩm Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, các nước châu Âu (Anh, Pháp...) và một số nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) với số lượng đầu sách khá hạn chế. Các thị trường khác như châu Phi, châu Mỹ hầu như chưa có các xuất bản phẩm của Việt Nam.

Vì vậy, cán cân xuất nhập khẩu trong lĩnh vực xuất bản có sự chênh lệch rất lớn: Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 400.000 bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí, trong khi nhập khẩu tới hơn 41 triệu bản sách, 17 bản băng đĩa, 8,6 triệu tờ báo, tạp chí. Tình trạng nhập siêu này dẫn đến hệ quả là dù công cuộc hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ song sách Việt Nam tiếp tục vắng bóng trong danh mục sách của độc giả nước ngoài.

Hơn nữa, chúng ta coi sách là sản phẩm văn hóa có vai trò to lớn trong quá trình nhận thức thế giới, hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc nên bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc của các thế hệ tương lai thì không thể tiếp tục nhập siêu thiếu định hướng, thiếu tổ chức và chủ yếu vì mục tiêu kinh tế như hiện nay.

Nhiều năm qua, câu chuyện đưa sách Việt Nam ra thị trường quốc tế là mối quan tâm, trăn trở của không chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, mà còn là mong mỏi của nhiều tác giả, dịch giả...

Không chấp nhận thụ động và mỏi mòn chờ cơ hội tìm đến, một số tổ chức, cá nhân đã nỗ lực bắt tay vào việc tìm đường xuất khẩu sách Việt Nam với khát vọng sẽ tìm được cánh cửa đưa sách trong nước hội nhập thế giới, nhất là mảng sách văn học.

Một số đơn vị xuất bản đã mạnh dạn thử nghiệm dịch các tác phẩm sang tiếng Anh và giới thiệu ra thị trường quốc tế qua các trang mạng chuyên về bán sách, tại hội chợ sách hoặc quảng bá theo hình thức “chuyền tay” giới thiệu cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Để thuận tiện cho việc quảng bá, các đơn vị này đã in các bản giới thiệu sách, tiểu sử các nhà văn, đồng thời dịch ra nhiều thứ tiếng cùng hình ảnh và các bài báo minh họa, kết hợp với việc phối hợp cùng đơn vị xuất bản sách ở các nước để có thể đưa nhà văn Việt Nam tham gia giao lưu với độc giả và ký tặng sách...

Một kênh quan trọng khác góp phần không nhỏ trong việc đưa sách Việt Nam hội nhập quốc tế, đó là hoạt động quảng bá, kết nối thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả của cá nhân nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam… Có thể coi đây là các “sứ giả văn hóa”, thông qua công việc của bản thân, tận dụng các mối giao kết cá nhân, cũng như ảnh hưởng của mình để giới thiệu một cách có hiệu quả nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ra nước ngoài.

Trong các năm 2002, 2010 và năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức ba Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều dịch giả quốc tế. Năm 2015, Hội nghị lần thứ ba được tổ chức với 151 đại biểu đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự gia tăng đại biểu qua từng kỳ Hội nghị cho thấy chủ trương quảng bá văn học Việt Nam đã dần tạo được sức lan tỏa đến bạn bè thế giới.

Nhờ đó, một số tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản ở nước ngoài như: Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xuất bản ở các nước: Canada, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc…), Tổng tập nghìn năm văn hiến (gồm 15 tập được xuất bản tại Nga), tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi cũng đã được giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển...

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của nhiều người, con số này vẫn còn quá khiêm tốn. Sách Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu nhỏ giọt so với làn sóng nhập khẩu ồ ạt của các xuất bản phẩm từ nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như: Thiếu đội ngũ dịch giả đủ mạnh; thiếu cơ quan chuyên trách thực hiện việc kết nối, quảng bá văn học Việt Nam với các đối tác nước ngoài; thiếu kinh phí cho công tác quảng bá...

Hội nhập quốc tế đưa tới cơ hội để các đơn vị xuất bản Việt Nam tham gia một số hội chợ sách quốc tế để học tập kinh nghiệm, quảng bá, tìm đối tác ở môi trường rộng lớn hơn nhưng cũng nhiều đòi hỏi khắt khe hơn.

Trong đó, nhiều đối tác nước ngoài đòi hỏi tác phẩm mua bản quyền phải đạt mức xuất bản từ hàng chục nghìn bản trở lên, trong khi sách văn học trong nước thường chỉ ở con số từ 1.500 đến 2.000 bản/cuốn. Chính vì không đáp ứng được yêu cầu này cho nên nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ. Mặt khác, công tác quảng bá còn thiếu sức hấp dẫn, chưa thuyết phục các nhà xuất bản nước ngoài…

Như vậy, rõ ràng là muốn đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài không chỉ cần tới nỗ lực của một số tổ chức hay sự tích cực của một vài cá nhân. Và đằng sau câu chuyện của sách không chỉ đơn thuần là giá trị kinh tế của vài bản hợp đồng được ký mà còn là hình ảnh, thương hiệu quốc gia, là sự lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, là sự khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Cần có cơ quan chuyên trách

Để đưa sách Việt Nam ra thế giới, cần có một địa chỉ, một tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm đưa sách Việt Nam xuất ngoại theo kế hoạch chiến lược dài hạn. Đây sẽ là cơ quan định hướng, tổ chức thực hiện và thẩm định chất lượng dịch thuật, chủ động đưa ra kế hoạch cụ thể, xây dựng danh mục các tác phẩm cần dịch ra một số ngôn ngữ cụ thể.

Về kinh phí, cùng với đầu tư của Nhà nước, cần huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội khác và có sự phân chia lợi nhuận hợp lý thu được từ việc bán tác quyền. Theo thông lệ nhiều nước ASEAN và thế giới, công việc này do các hiệp hội xuất bản thực hiện với sự đặt hàng hoặc tài trợ của chính phủ mỗi nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia dịch thuật, trước mắt là với tiếng Anh và một số ngôn ngữ thông dụng có nhiều người sử dụng khác như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Đồng thời, cần đào tạo, tuyển chọn các chuyên gia giỏi về mua bán tác quyền, nhất là những chuyên gia vừa có ngoại ngữ, vừa có kinh nghiệm và kiến thức đàm phán về tác quyền để trực tiếp quảng bá, thúc đẩy trao đổi bản quyền tác giả hướng đến xuất khẩu.

Điều quyết định nhất của hoạt động xuất bản trong thời gian tới là chất lượng toàn diện của nguồn nhân lực. Chất lượng chuyên môn và sự tâm huyết của nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời nhiều tác phẩm tốt, kịp thời đáp ứng và cung cấp cho người đọc những cuốn sách có giá trị cao.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là cần có hệ thống cơ chế, chính sách khả thi và phù hợp để tác phẩm tiêu biểu trong nước được xuất ngoại. Trước hết, cần sớm ban hành một nghị định nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài. Mặt khác có thể học hỏi cách làm của đại sứ quán các nước tại Việt Nam về Quỹ tài trợ cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm của nước họ, đồng thời nỗ lực quảng bá để công chúng Việt Nam hiểu được giá trị của những tác phẩm đó.

Xét đến cùng, những giải pháp nêu trên chỉ có thể đem lại hiệu quả khi chúng ta xây dựng được một nền xuất bản độc lập, tự chủ, vừa có bản sắc Việt Nam, vừa mang hơi thở và trí tuệ thời đại.

Thu Hà (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/khai-thong-con-duong-dua-sach-viet-ra-the-gioi/318396.vgp