Khai thác vàng trái phép chịu mức án đến 7 năm tù?

Việc khai thác vàng, khai thác khoáng sản tự phát của người dân là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc bị xử lý hành chính, những người khai thác vàng, khoáng sản có thể sẽ bị xử lý hình sự với mức án cao nhất đến 7 năm tù.

Tang vật vụ án mà công an thu giữ trong vụ khai thác vàng trái phép của nhóm đối tượng Lò Văn Ương. Ảnh: CACC

Thu hơn 6 tỷ đồng từ khai thác vàng trái phép

Mới đây, CA tỉnh Lai Châu đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 7 đối tượng: Lò Văn Ương (SN 1975); Lò Văn Lâm (SN 1982); Lò Văn Piếng (SN 1967); Lò Văn Soan (SN 1979); Lò Văn Chựa (SN 1969); Lò Văn Yến (SN 1986); Cà Văn Hiêng (SN 1983, cùng ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ), về hành vi Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Trước đó, ngày 25/2, anh Lò Văn H (SN 1993, ở huyện Sìn Hồ) đi làm thuê (khai thác vàng trái phép) cho ông Lò Văn Ương.

Đến 17h ngày 8/3, tại điểm khai thác vàng trái phép thuộc bản Phiêng Trạng (xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ), khi trèo lên cầu thang trong hang, anh H bị trượt chân rơi xuống ở độ cao khoảng 50m, dẫn đến tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, Lò Văn Ương sợ bị cơ quan chức năng xử lý nên đã tự thỏa thuận, thống nhất đền bù cho gia đình anh H 250 triệu đồng. Ương đưa trước 150 triệu đồng, còn 100 triệu đồng sẽ gửi sau.

Tại cơ quan điều tra, Ương khai nhận vì hám lợi nên từ tháng 8/2023, Ương đã cùng 6 người khác góp tiền mua phương tiện, tuyển người làm thuê, lén lút đến khu vực bãi 6, bãi 7 thuộc xã Noong Hẻo. Nhóm người này dựng lán rồi tổ chức đào xới những hầm lò cũ, đã bị chính quyền đánh sập từ năm 2022. Theo CA tỉnh Lai Châu, khu vực khai thác vàng trái phép là nơi rất xa khu dân cư, nằm trong những cánh rừng rậm nên khó bị phát hiện. Quá trình khai thác vàng, Ương cùng những người tham gia đã kiếm được số lượng vàng lớn, thu lợi hơn 6 tỷ đồng.

Có thể chịu mức án thế nào?

Về hành vi này của Lò Văn Ương, theo luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn Luật sư Hà Nội, khai thác vàng là một trong những hoạt động chịu sự quản lý một cách nghiêm ngặt của các quy định pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, những khu vực cấm hoạt động khai thác vàng bao gồm: khu vực đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc là đã được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của pháp luật về luật di sản văn hóa; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc là đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ ở khu bảo tồn địa chất; khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng thì cũng sẽ không được phép khai thác khoáng sản ở đây; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.

Với hành vi khai thác vàng trái phép thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 và khoản 4, và khoản 5 Điều 47 Nghị định 36/2002/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi khai thác vàng trái phép sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy khối lượng khoáng sản khuyên khai khai thác lên.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp là chưa tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện mà được sử dụng vi phạm. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức khai thác vàng trái phép còn có thể bị xử lý hình sự - theo luật sư Nguyễn Thị Yến.

Theo đó, Điều 227, Bộ luật Hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Hành vi khai thác trái phép vàng còn có thể bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 – 7 năm đối với một trong các hành vi như là có thu lợi bất chính từ các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản khác từ 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; phạm tội có tổ chức; người phạm tội gây ra sự cố về môi trường; hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả là chết người hoặc là hành vi vi phạm này gây thương tích hoặc tổn thương, tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tổng tổn thương cơ thể của những người này là 122% trở lên theo quy định pháp luật” – theo luật sư Nguyễn Thị Yến.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khai-thac-vang-trai-phep-chiu-muc-an-den-7-nam-tu-373308.html