Khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập (kỳ 2)

Kỳ 2: Hạ tầng du lịch từng bước đáp ứng du lịch quốc gia và quốc tế

Để phát triển tương xứng với vị trí ngành kinh tế động lực, trong thời gian qua Phú Yên triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Phú Yên phát triển.

Với thương hiệu "Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh", trong những năm qua Phú Yên có nhiều chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút các dự án ngoài ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 430 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 87 khách sạn, 91 nhà nghỉ và 27 homestay, như: Sala, Stelia, Rosa Alba, Apec Mandala, Bãi San hô, Sao Mai. Cơ sở vui chơi, tham quan thì có: Thác Jrai Tang, BB farm, cao nguyên Vân Hòa, Thiền viện Trúc Lâm, Sông Ba farm…

Khu khách sạn nghỉ dưỡng ven biển Tuy Hòa Rosa Alba Resort. Ảnh: THẾ PHƯƠNG

Phú Yên cũng được biết đến là một vùng đất hoang sơ, xinh đẹp với nhiều bãi biển, đầm vũng, di tích lịch sử văn hóa như: Núi Nhạn, Núi Đá Bia, Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Vịnh Xuân Đài, Đập Đồng Cam. Ngoài ra Phú Yên còn rất nhiều danh thắng khác như Bãi Xép, biển Vịnh Hòa, đồi cát Từ Nham, hòn Nưa, hòn Chùa, Nhất Tự Sơn, bãi Bàu, hòn Yến, Gành Đèn, thác Cây Đu, thác H’Ly, cao nguyên Vân Hòa.

Phú Yên hiện có 112 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu di sản văn hóa và di sản thiên nhiên và các danh lam thắng cảnh, chúng tôi xác định 10 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên riêng có và độc đáo của Phú Yên không chỉ ở tầm quốc gia mà còn quốc tế; đây là sự khác biệt rất ý nghĩa và lợi thế so sánh để Phú Yên phát triển du lịch xanh trong tương lai:

Gành Đá Đĩa: Đây là kết quả quá trình biến đổi tự nhiên, đá bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa tại vùng trung tâm tỉnh Phú Yên (cao nguyên Vân Hòa ngày nay) cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều, tạo nên một di sản thiên nhiên độc đáo có một không hai ở Việt Nam (ở Việt Nam ngoài gành Đá Đĩa chỉ có gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu ở Quảng Ngãi nhưng không gian hẹp và không có nhiều trụ đá bazan lục giác xếp cột đá hình lăng trụ). Hiện nay, trên thế giới cũng chỉ có một số ít quốc gia có các khối đá bazan dạng cột tương tự như gành Đá Đĩa là: Giant's auseway tại Bắc Ireland, Los Órganos tại Tây Ban Nha, hang động Fingal tại Scotland hay vách đá Jusangjeolli tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Phú Yên đang triển khai Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 4/12/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.

Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa sẽ được quy hoạch trở thành khu du lịch quy mô của khu vực, quốc gia. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bãi Môn - Mũi Điện: Ngọn hải đăng Bãi Môn - Mũi Điện chính là nơi đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam và là nơi mà du khách có thể đón được ánh bình minh sớm nhất trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; đồng thời Bãi Môn là nơi duy nhất của Việt Nam có hình dáng giống bản đồ Việt Nam nhất.

Mũi Điện (TX Đông Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: HUỲNH LÊ VIỄN DUY

Nhà thờ Mằng Lăng: Là nhà thờ cổ khu vực Nam Trung Bộ trên 125 năm tuổi; là nơi lưu giữ cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày”của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cuốn giáo lý này có ý nghĩa văn hóa và lịch sử đối với dân tộc Việt Nam; đặc biệt hấp dẫn du khách không kể người trong hay ngoại đạo bởi nó mang giá trị của cuốn sách có in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta được lưu giữ ở đây.

Nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: LÊ MINH

Đập Đồng Cam: Công trình Đập Đồng Cam trên sông Ba khởi công xây dựng năm 1924, hoàn thành đập chính năm 1930 và đến năm 1932 toàn bộ hệ thống thủy nông mới được hoàn thành, đến nay tròn 100 năm khởi công công trình. Là công trình thủy nông được đầu tư công nghệ hiện đại nhất, quy mô lớn nhất và lâu đời nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, là một kiệt tác của thế kỷ XX.

Đập Đồng Cam là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hấp dẫn của Phú Yên. Ảnh: VŨ HUYẾN

Vịnh Xuân Đài: Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước 130,45 km², là một trong những vịnh có diện tích lớn và có tiềm năng du lịch lớn nhất miền Trung, với cảnh sắc hữu tình, có nhiều đảo, bãi tắm rất đẹp và hoang sơ, được Thủ tướng Chính phủ công nhận khu du lịch quốc gia thứ hai tại quyết định số 2127QĐ-TTg ngày 29/12/2017, sau Khu du lịch hồ Tuyền Lâm được công nhận là Khu du lịch cấp Quốc gia theo Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 15/2/2017.

Bình minh trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: LÊ MINH

Gành Đèn: Gành Đèn là một công trình có kiến trúc độc đáo, tọa lạc tại nơi cảnh quan hoang sơ, Gành Đèn hấp dẫn du khách với vẻ đẹp đặc trưng về không gian và thắng cảnh không chỉ duy nhất ở Việt Nam mà còn trên thế giới, bởi hải đăng Gành Đèn được xây dựng trên gành đá hồng tự nhiên, chứ không phải xây dựng trên núi đá khác như các ngọn hải đăng khác.

Bãi Trứng gành Đèn (huyện Tuy An). Ảnh: LÊ MINH

Núi Đá Bia: Núi Đá Bia còn có nhiều tên gọi khác nhau theo các dân tộc khác nhau nhưng mỗi cái tên đều gắn liền với những câu truyện thần thoại ly kỳ và hấp dẫn. Tuy nhiên, núi Đá Bia vẫn là cái tên quen thuộc nhất với du khách thập phương dựa trên một sự kiện năm xưa; vào mùa xuân năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông khi thân chinh mở mang bờ cõi, khi dừng chân tại nơi đây đã cho quân lính leo lên đỉnh núi tạc chữ Cương Vực Đại Việt (lãnh thổ Việt Nam) lên hòn đá. Núi Đá Bia có độ cao là 706 mét, trên đỉnh núi thường xuyên có mây lượn lờ che lấp khối đá bia cao 76m tạo nên cảnh quan hùng vĩ, bí ẩn. Từ trên đỉnh núi, ta có thể nhìn ngắm được nhiều địa danh nổi tiếng của xứ Nẫu như Vịnh Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện, bãi Bàng, đèo Cả.

Cận cảnh núi Đá Bia. Ảnh: LÊ MINH

Chùa Đá Trắng: Chùa Đá Trắng còn có tên Bạch Thạch Tự, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ. Năm 1793, Thiền sư Pháp Chuyên (Diệu Nghiêm) đến đây dựng cất một thảo am dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, Thiền sư kiến tạo một ngôi chùa lá mái đồ sộ. Năm 1889, chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ, đặc điểm ngôi chùa được xây trên triền núi Đá Trắng không chỉ duy nhất ở Việt Nam mà còn thế giới.

Lễ hội chùa Đá Trắng diễn ra mùng 10 và 11 tháng Giêng. Ảnh: LÊ MINH

Đầm Ô Loan: Đầm Ô Loan là một trong những đầm rộng khu vực Nam Trung Bộ, có diện tích rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Đầm Ô Loan được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp thanh bình với không gian thoáng đãng và khí hậu trong lành, mát mẻ... và là một trong những điểm đến du lịch Phú Yên hấp dẫn nhất hiện nay. Tổng thể hệ sinh thái của đầm Ô Loan là một không gian còn hoang sơ xen lẫn những quả đồi bát úp và mặt hồ; nhờ hệ sinh thái độc đáo nên đặc sản ở đây mang thương hiệu riêng đặc sản đầm Ô Loan, do có chất lượng tốt, có hương vị độc đáo thu hút khách thập phương như: Sò huyết, các loại tôm, hàu, cua Huỳnh Đế, nhum, mực, cá…

Hoàng hôn trên đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ MINH

Tháp Nghinh Phong: Tháp Nghinh Phong là công trình kiến trúc mới, được đặt tại quảng trường Nghinh Phong. Công trình này sở hữu một lối kiến trúc cực kỳ độc đáo và hình thành nên từ vẻ đẹp của gành Đá Đĩa. Tháp được tạo nên từ những khối đá có hình trụ xếp chồng lên nhau và được tô điểm thêm rất nhiều hoa văn tỉ mỉ, độc đáo. Công trình xây dựng lấy ý tưởng từ truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Đây là một trong những công trình kiến trúc với biểu tượng lạ và mang ý nghĩa dân tộc, kiến trúc tạo các khe hở, khi có những làn gió biển mát lành thổi qua đây thì nó sẽ đi qua các khe hở và tạo nên những âm thanh độc đáo như những bản nhạc. Do đó có thể nói rằng du khách đến Phú Yên mà chưa có tấm hình chụp ở Tháp Nghinh Phong là chưa đến Phú Yên.

Tháp Nghinh Phong là điểm đến mới của những người thích ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Ảnh: NGỌC THẮNG

Thời gian qua, ngành Du lịch Phú Yên tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đó là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, điển hình là du lịch sinh thái biển, nhờ có nhiều bãi biển, đầm vũng; du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên… Tỉnh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch cuối tuần, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông thôn, các sản phẩm du lịch bổ trợ, du lịch quá cảnh, du lịch tham quan biển, du lịch tham quan nghiên cứu. Trong đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch mang nét đặc thù và có tính cạnh tranh cao về biển.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Fram (huyện Sơn Hòa) với nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, có nhiều triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: NGỌC HÂN

Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm triển khai thường xuyên, đặc biệt là công tác quảng bá du lịch ra thị trường nước ngoài. Trong những năm qua, Sở VH-TT&DL Phú Yên phối hợp cùng với các sở ngành và địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Phú Yên đến thị trường du lịch trong và ngoài nước, góp phần thu hút du khách năm sau cao hơn năm trước. Phát huy tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích đạt hiệu quả, làm cho bộ mặt di tích đã có nhiều khởi sắc góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm phát triển có hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử phục vụ du lịch.

Kỳ 3: Cần giải pháp đồng bộ khắc phục hạn chế để phát triển bền vững du lịch xanh

T.S PHẠM S

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/431/313788/khai-thac-tiem-nang-di-san-van-hoa-va-thien-nhien-de-phat-trien-du-lich-xanh-trong-xu-the-hoi-nhap-ky-2.html