Khai thác thế mạnh công nghiệp

Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị, thị xã Hương Trà đang nỗ lực khai thác tiềm năng lợi thế lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) để nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Cụm CN Tứ Hạ đã lấp đầy 97,3% diện tích

Tăng trưởng bình quân 15,4%/năm

Đưa chúng tôi đi tham quan tại cụm công nghiệp Tứ Hạ, ông Hà Hoàng Chuân, Giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng Khu vực thị xã Hương Trà, cho hay: Tổng diện tích cụm công nghiệp Tứ Hạ theo phê duyệt quy hoạch xây dựng là 57,31ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 36,92ha. Địa phương đã hoàn thành cơ bản xây dựng, đưa vào vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Các ngành nghề đầu tư vào cụm công nghiệp Tứ Hạ gồm vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, nhựa… Hiện nay, đất phục vụ công nghiệp đã lấp đầy 97,3%, có 17 doanh nghiệp đã thuê đất phục vụ sản xuất công nghiệp.

Giai đoạn 2021-2023, thông qua công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, thị xã Hương Trà ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, kỹ thuật điện, điện tử, dệt, may, da giày, chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, hóa chất, nhựa, dược phẩm và các ngành công nghiệp khác; thu hút, khuyến khích phát triển một số ngành công nghệ cao, vật liệu mới vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, thị xã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của địa phương như chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; thu hút đầu tư phát triển mới các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng và trang trí cao cấp, các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch thân thiện môi trường; gia công, lắp ráp ôtô, xe máy hoặc gia công chế tạo các cụm chi tiết máy động lực...

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Nguyễn Duy Hùng, thông tin: Sản xuất CN - TTCN và xây dựng phát triển đúng hướng, địa phương khai thác được lợi thế so sánh và duy trì được tốc độ tăng giá trị sản xuất khá, giai đoạn 2021-2023 bình quân tăng 15,4%/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2020) ước đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 14,7% so năm 2022 và gấp 1,3 lần so năm 2021.

Đi đôi với sự phát triển của các ngành CN-TTCN, trong thời gian qua hàng nghìn lao động trên địa bàn thị xã đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu, Cụm công nghiệp sử dụng lượng lao động nhiều nhất như Công ty Hữu hạn Luks xi măng Việt Nam, Công ty TNHH may Vinatex Hương Trà, Công ty cổ phần Phương Minh, Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung, Công ty Da giày Huế, Công ty TNHH Quang Quân... Hàng năm, các doanh nghiệp, nhà máy tại các Khu, Cụm CN-TTCN trên địa bàn thị xã đã tham gia đóng thuế cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Phát huy lợi thế so sánh

Hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất ngành CN - TTCN đã nâng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng mạnh, hình thành rõ nét khu công nghiệp, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh, mà hạt nhân là đô thị Tứ Hạ, trung tâm của thị xã Hương Trà. Sự phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN ngày càng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, tận dụng triệt để lợi thế so sánh giữa các vùng, các lĩnh vực. Công tác xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn ngày càng nhiều, góp phần quan trọng vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư.

Tuy nhiên, đánh giá về việc khai thác lợi thế so sánh các ngành CN - TTCN trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Hùng cho rằng, trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực CN -TTCN rất lớn, song quỹ đất lại hạn chế, chưa hình thành được các cụm công nghiệp dẫn đến việc thu hút đầu tư hiệu quả chưa cao. Tốc độ tăng giá trị sản xuất CN - TTCN và xây dựng chưa có bước đột phá, còn thấp so mục tiêu đề ra. Cùng đó, cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Tứ Hạ mở rộng chưa đồng bộ, do đó công tác thu hút đầu tư vào cụm gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hùng, căn cứ định hướng phát triển CN của thị xã, chính quyền địa phương đã rà soát 5 vị trí thuận lợi cho phát triển các cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch sử dụng đất thị xã giai đoạn 2021-2030 và đề nghị tỉnh tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, các quy hoạch phân khu để có cơ sở thành lập các Cụm công nghiệp trong thời gian đến. Cụ thể, cụm CN Hương Vân quy mô 75ha, Cụm CN Hương Văn 1 (Vùng Trạng) quy mô 35ha, Cụm CN Tứ Hạ 2 quy mô 75ha; Cụm CN Hương Xuân quy mô 58ha, Cụm CN Hương Văn 2 (Hiệp Khánh) quy mô 24,3ha. Chú trọng thu hút đầu tư, chọn lựa các ngành công nghiệp có ưu thế về giá trị gia tăng, lao động; hình thành được những sản phẩm công nghiệp chủ lực như dược phẩm, hàng tiêu dùng, cơ khí, vật liệu xây dựng công nghệ mới; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để cung cấp nguyên phụ liệu, chi tiết cho các ngành công nghiệp khác… nhằm tăng năng lực sản xuất mới và tạo bước đột phá cho ngành CN - TTCN của thị xã trong những năm tới.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khai-thac-the-manh-cong-nghiep-134331.html