Khai mạc Lễ hội đền Đuổm và Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024

Sáng 15-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), huyện Phú Lương long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội đền Đuổm Xuân Giáp Thìn 2024. Trong không gian Lễ hội, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với huyện Phú Lương tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024.

Sáng 15-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), huyện Phú Lương long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội đền Đuổm Xuân Giáp Thìn 2024. Trong không gian Lễ hội, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với huyện Phú Lương tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Sơn dâng hương tại đền Đuổm.

Tới dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Hoàng Văn Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Đỗ Đức Công, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Đại diện một số sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện Phú Lương cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Các đại biểu và đông đảo nhân dân, du khách tham dự Lễ khai mạc.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc.

Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt (Phú Lương), thờ danh tướng Dương Tự Minh. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức theo thông lệ vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội có giá trị lịch sử to lớn, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017.

Lễ hội đền Đuổm hằng năm có phần lễ và phần hội. Phần lễ năm nay gồm: rước nước, rước đất, dựng cây nêu, mộc rục, gia quan, lễ vật vào đền, đại tế, khai mạc và lễ tạ. Phần hội sẽ có thi trưng bày mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm, giã bánh dày, thi gói bánh chưng, chế biến các loại bánh cổ truyền dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc, văn nghệ… Chương trình còn có các trò chơi dân gian, như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập niêu, đi cầu thăng bằng…

Các đại biểu cùng nhân dân, du khách tham gia tung còn tại sân Lễ hội.

Đông đảo người dân và du khách dự Lễ hội.

Triển lãm tranh tại sân Lễ hội.

Lễ hội đền Đuổm năm nay có nhiều điểm mới: Lần đầu tiên không gian Lễ hội được thiết kế phân khu; phần hội có thêm các phần thi: tung còn, đi cà kheo, thi thiết kế các sản phẩm quà tặng; tổ chức riêng một không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, một số hoạt động cũng lần đầu tiên được tổ chức như: thi thiết kế sản phẩm lưu niệm quảng bá Di tích đền Đuổm, trình diễn trang phục dân tộc với quy mô rộng, giải thể thao các dân tộc trong huyện và không gian văn hóa các dân tộc...

Trò chơi dân gian tại Lễ hội.

Góc chợ quê tại Lễ hội.

Đối với Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024, năm nay, Hội báo Xuân giới thiệu đến bạn đọc gần 1.000 ấn phẩm báo Xuân của các cơ quan báo chí Trung ương, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương trên cả nước; trưng bày sách về Đảng Cộng sản Việt Nam; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ASEAN; không gian trưng bày, giới thiệu những bức ảnh đặc sắc về quê hương, đất nước, con người, tỉnh Thái Nguyên...

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội báo Xuân 2024.

Điểm mới của Hội báo Xuân năm nay là lần đầu tiên được trang bị hệ thống máy tính màn hình cảm ứng đồng bộ để truy cập báo điện tử. Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trưng bày những bức ảnh tiêu biểu về tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, các cơ quan báo chí phối hợp tạo không gian trường quay ảo, trường quay tại chỗ…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham quan gian trưng bày Hội báo Xuân.

Thăm không gian trưng bày của Hội báo Xuân 2024, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Sơn ghi nhận sự đóng góp quan trọng của đội ngũ những người làm báo. Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202402/khai-mac-le-hoi-den-duom-va-hoi-bao-xuan-giap-thin-2024-847134e/