Khai mạc Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024

Chiều ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội chủ trì, giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII, năm 2024.

Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung; Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Dương Quốc Trịnh; về phía Hà Nội có Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan; Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng; cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; đại điện Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung, miền Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp nối thành công của Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII, được tổ chức tại Quảng Ninh, Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII năm 2024, được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khuyến công năm 2023, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2024; thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý Nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho Trung tâm khuyến công 28 tỉnh, thành phố phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.

170,8 tỷ đồng kinh phí khuyến công dành cho 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2023 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 176,4 tỷ đồng, đạt 94,6% so với kế hoạch năm (186,5 tỷ đồng).

Trong đó: Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện là 79,9 tỷ đồng, đạt 97,9% so với kế hoạch (81,6 tỷ đồng) và chiếm 45,3% kinh phí khuyến công thực hiện toàn vùng; Tổng kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) thực hiện là 96,6 tỷ đồng, đạt 92,1% so với kế hoạch (104,9 tỷ đồng) và chiếm 54,8% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang,...

Bên cạnh đó, báo cáo đã cho biết, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,8 tỷ đồng, thấp hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2023 (186,5 tỷ đồng), trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch 71,5 tỷ đồng, chiếm 41,9% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Đến nay, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán và thống nhất phân bổ kinh phí (đợt 1) là 18,3 tỷ đồng (chiếm 25,6%) cho các đề án có nội dung về Tổ chức hội chợ và Tổ chức hội nghị; Kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch 99,2 tỷ đồng, chiếm 49% tổng kinh phí KCĐP toàn quốc đã được giao kế hoạch năm 2024 (202,3 tỷ đồng) và chiếm 58,1% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí toàn vùng ước thực hiện đạt 34,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch năm, cao hơn 10,25% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG do phân bổ (đợt 1) không cao ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 8,5 tỷ đồng đạt 11,9% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP ước thực hiện 26,2 tỷ đồng đạt 26,4% kế hoạch năm.

 Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận

Bà Hà Thị Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội phát biểu tham luận

Bà Hà Thị Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội phát biểu tham luận

Tại Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển các tỉnh như Hà Nam, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa..., đại điện Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thuộc Bộ, đại diện các doanh nghiệp... về những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tế quản lý nhà nước. Từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công phát huy lợi thế. Đồng thời, xây dựng, định hình các mối liên kết hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu kết luận tại Hội nghị

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết: Bên cạnh những thành tích đạt được, theo báo cáo, công tác khuyến công vẫn còn một số tồn tại do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tìm giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện như: Công tác xây dựng kế hoạch, chất lượng đề án khuyến công của một số địa phương còn hạn chế. Còn ít các đề án quy mô, có tính lan tỏa, tương xứng với tiềm năng của khu vực phía Bắc với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước và có nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp. Các Sở Công Thương chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.

Tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm, đăc biệt đối với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đến nay Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán nên mới phân bổ kinh phí đợt 1 chiếm 26,6%, gây ảnh hưởng lớn đến tính kịp thời và hiệu quả hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng; Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy một số địa phương tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh xong hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của một vài địa phương theo hướng sáp nhập đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương vào đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh làm ảnh hưởng đến tính hệ thống trong tổ chức hệ thống khuyến công đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

Nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024

Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2024, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung nhấn mạnh một số điểm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục ra soát lại các chương trình, kế hoạch khuyến công năm 2024. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025, khảo sát xây dựng các đề án nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với năng lực triển khai của đơn vị thực hiệnnhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng và địa phương trong chuỗi giá trị.

Thứ hai, Thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tai Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khuyến công tạo động lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh và bền vững. Tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện đối với các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, tập trung nghiên cứu góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công của Bộ Công Thương.

Thứ ba, Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công.

Thứ tư, bám sát hoạt động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, tập trung theo dõi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG ngay sau khi được phân bổ kinh phí khuyến công kịp tiến độ; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả: đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

Thứ năm, triển khai các nhiệm vụ khuyến công nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tăng cường các hoạt động khuyến công, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp, thương mại góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp..

Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã trao cờ luân lưu đơn vị đăng cai Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2025 cho Sở Công Thương tỉnh Hà Giang dưới sự chứng kiến của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương

Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã trao cờ luân lưu đơn vị đăng cai Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2025 cho Sở Công Thương tỉnh Hà Giang dưới sự chứng kiến của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã trao cờ luân lưu đơn vị đăng cai Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2025 cho Sở Công Thương tỉnh Hà Giang dưới sự chứng kiến của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu bế mạc Hội nghịi

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu bế mạc Hội nghịi

Phát biểu bế mac Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá: Hội nghị cơ bản đã hoàn thành nội dung chương trình đã đề ra với các nhiệm vụ chính. Nhìn chung, báo cáo và các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội nghị đều thống nhất nhận định năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, kinh phí bố trí cho công tác khuyến công còn hạn hẹp, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập chưa được sửa đổi kịp thời, mô hình tổ chức bộ máy đang bị thu hẹp chưa có tính đồng nhất trong địa phương...,

Song được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Công Thương của UBND các tỉnh/thành phố, sự sáng tạo vượt khó, cố gắng nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo Sở và các đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khuyến công trong toàn khu vực, công tác khuyến công đã giữ được vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn, đóng góp chung vào phát triển sản xuất kinh doanh của các địa phương và cả nước. Hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đạt được nhiều kết quả tích cực như đã nêu trong báo cáo các ý kiến thảo luận cũng như nhận xét của Lãnh đạo Bộ Công Thương.

Hoàng Dương - Phương Thúy

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khai-mac-hoi-nghi-khuyen-cong-cac-tinh--thanh-pho-khu-vuc-phia-bac-nam-2024-121229.htm