Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng 28-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV nhằm thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV.

Tham dự phiên khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: đây là hội nghị nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 6, hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây là các dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8-2023.

Nhấn mạnh đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Các dự án luật này đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và ĐBQH, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau nhất là giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với tinh thần làm triệt để, để không có một ý kiến nào của ĐBQH mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình.

Phan Phương

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khai-mac-hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-post282570.html