Khai hội xuân Yên Tử 2024

Hôm nay, 19-2 (10 tháng Giêng âm lịch), tại Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2024.

Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất ở miền Bắc, thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử và du khách về với vùng đất Phật linh thiêng để chiêm bái, vãn cảnh.

Năm 2024 này, Lễ khai hội xuân Yên Tử vẫn tiếp tục được được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Phần lễ bao gồm các nghi thức, như: gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu quốc thái dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).

Vườn tháp Yên Tử

Phần hội có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: đêm hội hoa đăng, cầu nguyện quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực làng nương Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử...

Trước ngày khai hội, từ ngày Mùng 2 Tết đến nay, đã có hàng chục nghìn du khách hành hương về Yên Tử, lễ Phật đầu năm với ước vọng năm mới mưa thuận gió hòa, bình an và no ấm.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, gióng hồi chuông khai hội Yên Tử 2024

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.

Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

Đã có hàng vạn du khách trẩy hội Yên Tử ngay từ những ngày đầu Xuân mới Giáp Thìn 2024

Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều. Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…, nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ.

Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.686ha, trong đó có 1.736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp…

Ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng. Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa...

Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập.

Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Khu vực Yên Tử bao gồm một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính như: chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, cụm tháp Hòn Ngọc, vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, am Thiền Định, chùa Một mái, am Thung, am Dược, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng…

Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khai-hoi-xuan-yen-tu-2024-post567453.antd