Khai hội ngàn năm

Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam...

Đúng 8h sáng ngày 1/10/2010, giữa âm thanh vang vọng của trống, cồng, chiêng, ngọn lửa thiêng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thắp sáng trên lễ đài, mở màn cho ngày Khai hội ngàn năm của đất Thăng Long oanh liệt. Lễ dâng hương của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, thành phố Hà Nội được tiến hành ngay sau đó với lòng thành kính tưởng nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt. Trong ngày trọng đại kỷ niệm ngàn năm, đích thân Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đã sang Việt Nam và trao bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thể giới cho ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội. Bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hà Nội đã gìn giữ tốt di sản thế giới qua nghìn năm lịch sử, bà Irina Bokova cho rằng, “rất ít nước giữ những ký ức sống động về việc lập đô từ từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian”. Bà Bokova khẳng định: “việc Trung tâm Hoàng thành được công nhận là di sản thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới với tất cả các bạn. Kể từ hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho thế hệ tương lai, cho giới trẻ, để rồi đến lượt mình họ lại kể cho con cháu nghe câu chuyện về vua Lý Thái Tổ” - người đứng đầu tổ chức UNESCO nói và tin rằng, “thần Kim Quy đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm”. Phần nghi lễ kết thúc với màn thả chim bồ câu từ một quả cầu hình trái đất bên cạnh sân khấu chính. Phần Hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Sân khấu chính tại vườn hoa Lý Thái Tổ được mô phỏng theo Chiếu dời đô với 2 gam màu chủ đạo là vàng và đỏ. Tại đây các nghệ sỹ biểu diễn màn nghệ thuật với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”. Một dàn quân nhạc di chuyển về phía sân khấu quảng trường Cách mạng tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long – Hà Nội. Tại đền Bà Kiệu và quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục, 2 sân khấu biểu diễn với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến” và “Thăng Long - Hà Nội, thành phố Vì Hòa bình” cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân đến xem. Cùng với 3 sân khấu trên, sân khấu 4 (tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống) với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển” và sân khấu 5 (ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài) với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước” đã khiến khu vực xung quanh Hồ Gươm trở thành nơi tụ hội của nghệ thuật, của tình yêu dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến, làm sống dậy những năm tháng hào hùng, những truyền thống, phẩm giá quý báu của Thành phố ngàn năm tuổi. Đặc biệt, sự “xuất hiện” của cụ Rùa trên mặt nước Hồ Hoàn Kiếm trong sáng ngày khai mạc Đại lễ đã khiến không khí khai hội càng linh thiêng, trọng đại. Cũng trong ngày khai mạc Đại lễ đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt, tối cùng ngày, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ – Hà Nội, triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội cũng đã khai mạc. T.B 56 tác phẩm xuất sắc nhất của 36 tác giả thể hiện tầm vóc của các công trình đường bộ và mạng lưới GTVT VN đã được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội (16/9/2010 - 18/9/2010).

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Van-hoa-the-thao/Van-hoa/Khai_hoi_ngan_nam/