Khai hội chùa Láng - lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

Sáng 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch) đã diễn ra Lễ khai hội chùa Láng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội thu hút hàng chục nghìn người dân và khách thập phương tham dự.

Tục xưa đã truyền, cứ đến tiết Thanh minh tháng 3, ngày 7/3 âm lịch, Lễ hội chùa Láng được tổ chức để tưởng nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đất, người vùng Kẻ Láng.

Lãnh đạo quận Đống Đa cùng các cụ cao niên và du khách tham dự lễ khai hội.

Trước đó, ngày 14/4 (mùng 6/3 âm lịch), người dân địa phương đã thực hành nghi thức dâng hương, hoa, lễ vật tại chùa Tam Huyền - nơi thờ Đức Thánh Phụ là cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh; tổ chức lễ khao thỉnh, bao sái, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thánh và kiệu Tứ trấn ra ngự tại nhà Bát Giác.

Ngày 15/4 (mùng 7/3 âm lịch) là chính hội với nghi thức rước kiệu Thánh. Tại đây, điều làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn “hội Thánh” rất sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia. Ngày 16/4 (mùng 8/3 âm lịch) sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ, dâng hương và hoạt động tín ngưỡng truyền thống...

Đại diện người cao tuổi trong làng đánh trống khai hội.

Lễ hội chùa Láng là một trong các lễ hội đặc trưng của khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, không chỉ quy tụ người dân trong vùng mà còn thu hút đông đảo du khách từ nhiều địa phương về dự, tạo thành lễ hội “liên vùng” có sức ảnh hưởng và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ hội chùa Láng là lễ hội lớn nhất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa và nay, trong dân gian vẫn còn câu ca: “Thứ Nhất là Hội Cổ Loa/ Thứ Nhì Hội Láng, thứ Ba Hội Thầy” hay “Nhớ ngày mùng bảy tháng ba/ Trở vào Hội Láng, trở ra Hội Thầy”.

Thực hành nghi thức Tế lễ.

Chùa Láng – Ngôi cổ tự được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175) – mang nhiều tên gọi như chùa Cả, Chiêu Thiền Tự, nổi tiếng với một bề dày lịch sử gần 900 năm và tọa lạc tại phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Chùa thờ Đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hóa thân của ngài là vua Lý Thần Tông với những câu chuyện huyền sử nhuộm màu tâm linh kỳ ảo được lưu truyền trong dân gian nhiều thế kỷ.

Người dân và du khách thực hiện các hoạt động tín ngưỡng tại lễ hội.

Công trình này có tới 100 gian lớn nhỏ, mang nhiều giá trị kiến trúc nổi bật. Hiện nay, đây cũng là ngôi chùa lưu giữ nhiều di vật văn hóa, nghệ thuật đồ sộ, đa dạng về chất liệu và chủng loại. Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, từ năm 2019, lễ hội truyền thống chùa Láng được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Nhà Bát Giác trong khuôn viên chùa Láng.

Đến với lễ hội năm nay, Ban tổ chức mong rằng các Thiện nam Tín nữ, các Tăng ni phật tử và toàn thể Nhân dân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích...

Đàm Mai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khai-hoi-chua-lang-lan-toa-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.html