Khách Việt ít tin travel blogger

Klook vừa công bố khảo sát Travel Pulse nhằm đưa ra một số xu hướng của du khách trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Xu hướng du lịch của du khách Việt có những thay đổi nhất định. Ảnh: Emperor Cruises Origin Nha Trang.

Klook - nền tảng du lịch và trải nghiệm hàng đầu châu Á - công bố kết quả khảo sát Travel Pulse mới nhất về những xu hướng du lịch trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024.

Cuộc khảo sát Travel Pulse được thực hiện cùng Milieu dựa trên 13 thị trường tại khu vực châu Á. So với cuộc khảo sát năm trước, xu hướng du lịch của du khách Việt có những thay đổi nhất định.

Ưu tiên trải nghiệm

Theo khảo sát, 3/5 du khách châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng chi ngân sách ít nhất từ 30% đến 50% để tận hưởng trải nghiệm tại các điểm đến. Một mức tăng đáng kể so với mức chi tiêu du lịch trung bình vào năm 2023.

Du khách không ngại chi thêm ngân sách để tận hưởng trải nghiệm tại các điểm đến. Ảnh: Phú Quốc United Center.

Trong đó, 17% du khách Việt đặt yếu tố trải nghiệm lên hàng đầu. Đây là một trong những con số cao nhất tại châu Á - Thái Bình Dương. Họ sẵn lòng đầu tư một nửa ngân sách du lịch, bất chấp chi phí tăng do lạm phát toàn cầu để vui chơi tại công viên chủ đề, tìm hiểu văn hóa hay tham gia hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên.

So với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 64% du khách Việt muốn thử trải nghiệm độc đáo ở các điểm đến và 38% muốn thử nghiệm điều mới lạ trên đề xuất du lịch.

Thích đi cùng gia đình

Ở châu Á - Thái Bình Dương, 9/10 du khách mong muốn thực hiện các chuyến đi cùng gia đình, người yêu hoặc bạn đời, bạn bè thân thiết. Có 30% du khách chọn người yêu hoặc bạn đời và 26% chọn gia đình.

Từ sau đại dịch, du khách Việt, đặc biệt là thế hệ Gen Z có xu hướng kết nối lại với những người thân yêu, thoát khỏi thói quen "một mình" nên nhu cầu đi du lịch cùng gia đình tăng cao. Cứ 3/5 du khách Việt ưu tiên đi cùng ông bà, bố mẹ và các anh chị, chiếm tỷ lệ cao nhất là 60%.

Thay vì du lịch một mình, nhiều du khách Việt chọn đi với gia đình để cùng nhau tận hưởng khoảng thời gian thư giãn. Ảnh: Nguyễn Đạt.

Khảo sát Travel Pulse cũng cho thấy 65% du khách ưu tiên lựa chọn những kỳ nghỉ ngắn hạn, thường xuyên hơn để thỏa mãn các mong muốn trải nghiệm.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, cho biết những xu hướng du lịch này là hình ảnh phản chiếu của thế giới sau đại dịch, khi chính sự cô lập và số hóa vốn phát triển mạnh mẽ trong đại dịch nay lại khiến mọi người khao khát sự kết nối nhiều hơn bao giờ hết.

Vốn ưa thích khám phá, sợ bỏ lỡ trải nghiệm thú vị, 90% du khách Việt đã đặt chuyến du lịch cho thời gian từ nay đến nửa cuối năm. Họ thường chọn du lịch vào mùa xuân và mùa hè để ngắm các mùa hoa, trải nghiệm lễ hội văn hóa…

Chịu tác động từ mạng xã hội

Sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội là yếu tố quan trọng trong việc tạo động lực cho du khách tham gia du lịch. Trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 96% du khách tích cực chia sẻ chuyến đi lên mạng xã hội để lưu lại kỷ niệm.

Du khách Việt dẫn đầu khu vực trong việc sử dụng Facebook (95%) và TikTok (83%) làm nền tảng truyền cảm hứng du lịch. Năm 2023, con số này cũng lên tới 69%, đứng đầu khu vực.

Review từ các nhà sáng tạo nội dung online không còn nhận được sự tin tưởng nhiều từ du khách Việt. Ảnh: Phương Lâm.

Khoảng 91% du khách Việt đặt các dịch vụ du lịch dựa trên đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung. Trong đó, định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.

Tuy nhiên, 61% du khách Việt tin vào các nhà sáng tạo nội dung không nổi tiếng để có lựa chọn khách quan nhất. Niềm tin họ đặt vào KOL hay travel blogger không còn vững như trước vì một số đề xuất không đúng như thực tế, thậm chí "đậm mùi" quảng cáo.

"Du khách Việt tin hơn vào những trải nghiệm của người đi du lịch bình thường", ông Hoàng lý giải thêm.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://znews.vn/khach-viet-it-tin-travel-blogger-post1454230.html