Khắc tranh độc bản

Tranh khắc gỗ có từ thế kỷ 16 với nhiều hình thức khác nhau tạo ra những bức tranh in màu hoặc tranh đơn sắc, chỉ có một màu nhưng sắc thái đậm nhạt từ đen xám theo tông trắng hay ngược lại.

Ở Việt Nam, rất ít nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật tranh độc bản. Riêng anh Nguyễn Công Nguyên, với ưu thế tốt nghiệp hệ điêu khắc Đại học Mỹ thuật, anh đã trao trọn tình yêu cho những khuôn gỗ dù cố định nhưng lại mở ra không gian đa chiều sâu lắng này.

“Vẽ” thiên nhiên trên gỗ

“Gia tài” của người làm tranh độc bản khá đơn giản, gồm bộ dao khắc, bản gỗ (có thể là gỗ ép hoặc xa xỉ hơn thì dùng gỗ lồng mứt với vân gỗ tự nhiên), những chiếc rolo lăn màu, hộp màu sơn, dầu ăn và giấy. Mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang dấu ấn cá nhân, anh Nguyên chọn khắc gỗ làm phương thức biểu hiện chiều sâu của suy tưởng cũng như góc nhìn của chính mình về thế giới quan.

Nhiều người băn khoăn không biết bản khắc gỗ hay bức tranh tạo ra từ bản khắc gỗ là quan trọng hơn. Khó mà phân định nhưng bản khắc gỗ có giá trị độc lập với bức tranh in từ bản mẫu, anh Nguyên cho biết.

Chủ thể được nhìn thấy nhiều nhất trong các bản khắc gỗ của anh là các sự vật trong thiên nhiên như con tắc kè, hoa dâm bụt, đóa hoa dại, cành cây… Đó là những thứ gần gũi nhất gắn bó nhất đối với anh.

“Mình sinh ra trong một trang trại, nơi mọi người sống chan hòa với tự nhiên, sáng dậy nghe chim hót, mở cửa sổ thấy cây rừng, thấy con gà, con lợn xung quanh. Đến bây giờ, dù làm việc ở Sài Gòn nhưng nửa thời gian trong 1 tuần của mình vẫn là ở trang trại ở Trị An, thời gian khác mới trở về cái “tổ” của mình ở phố. Chính vì thế, khi chạm khắc sự vật trong tự nhiên với mình rất dễ dàng, nhắm mắt mình cũng tưởng tượng ra cảnh vật xung quanh, đơn giản là vì mình sống với tự nhiên chứ không xuất phát từ niềm hoài niệm hay nuối tiếc”, anh Nguyên chia sẻ.

Theo đuổi loại hình này được 5 năm nhưng số lượng bức tranh mà anh ưng ý không quá 20. Anh tâm sự: “Mỗi thời điểm cảm xúc của người thực hiện bức tranh sẽ khác, nên góc nhìn cũng khác. Rất nhiều lần sau khi chạm xong bức tranh, tuần sau mang ra xem lại thì thấy không thể hiện hết được không khí của bức tranh nên lại đục bỏ. Nhiều người thắc mắc không khí của bức tranh là gì mà quan trọng vậy, khiến mình có thể bỏ hẳn luôn bức tranh mà khó khăn lắm mới hoàn thành. Không khí đó chính là cái thần, không gian mà chủ thể chính được bao bọc".

"Giống như một bông hoa dâm bụt bung nở đón cơn mưa sau mùa hè nắng cháy khô cằn thì sẽ rực rỡ, toát ra nguồn năng lượng chói mắt nhưng nhìn không gay gắt. Làm sao để tạo ra bông hoa sống động nhưng vẫn uyển chuyển, mềm mại trên miếng gỗ thô cứng - đó mới là điều khó. Vì thế, dẫu lúc tạo ra bức tranh mình cực kỳ thích nhưng sau thời gian lại cảm thấy chưa đúng, chưa đủ và dùng dao đục bỏ”, anh Nguyên chia sẻ thêm.

Ảnh: NVCC

Tranh độc bản thành đại chúng

Phương châm của anh là đưa nghệ thuật gần với công chúng, để mọi người đều có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc theo cảm quan của riêng mình. Mỗi tháng anh Nguyên đến Ga0 Station (Q.7, TP.HCM) mở workshop hướng dẫn các bạn trẻ làm tranh độc bản.

Không giấu nghề, anh tận tình trả lời tất cả các thắc mắc của những người quan tâm, từ chuyện đơn giản như chỗ mua dụng cụ đến việc nhắc nhở người mới phải vẽ nháp bức tranh trên gỗ trước khi dùng dao khắc sẽ dễ hơn so với việc làm trực tiếp… Riêng kỹ thuật tạo hình thì anh có nguyên danh sách các ý niệm cảm xúc được tái hiện trên gỗ và ý nghĩa của chúng.

Anh chia sẻ: “Mỗi đường nét được chạm trên gỗ có ý nghĩa riêng, thông qua các bản khắc gỗ, người ta cũng có thể đoán được cảm xúc của người chạm hay vẽ ra nó. Khi người ta vui, hạnh phúc các đường nét trên gỗ sẽ hướng lên trên lan rộng ra, khi người ta buồn, các đường nét sẽ hướng vào trong. Khi đau hay sợ hãi, người ta chạm trên gỗ những đường nhọn, gai góc. Những quy tắc cụ thể, tùy theo ý đồ riêng của người nghệ sĩ mà tạo thành tác phẩm độc đáo, duy nhất nhưng vẫn khiến người xem cảm thụ được ý nghĩa sâu xa của bức tranh”.

Ở workshop, anh vừa giảng giải về kỹ thuật, vừa xem từng bức tranh, chỉ cho học viên chỗ nào cần chạm sâu hơn, chỗ nào cần mỏng… Anh giải thích một vài nguyên tắc thông thường khi chạm, chẳng hạn chỗ nào cần nổi bật thì chủ động đục bỏ, nếu muốn tạo ra bông hoa cúc vàng nổi trên nền xanh thì chạm bông cúc hơi sâu hơn để khi dùng rolo lăn màu vàng qua, màu sẽ lấp đầy khoảng trống, không bị lem hay che phủ với màu xanh của lá cây. Sau khi lăn màu như ý muốn, sẽ dùng giấy để lên bề mặt tranh rồi dùng dụng cụ miết mạnh để mực in thấm đều trên giấy.

Bạn Hồng Anh (sinh viên năm 2 Đại học Văn Lang) cho biết: “Trước đây khi nhìn các bức tranh khắc gỗ ở gallery mình thấy đẹp nhưng không nghĩ có thể tự làm được. Sau khi dự một buổi học ngắn, mình mới biết mọi thứ đều có kỹ thuật hết. Từ những điều cơ bản, từng người có thể tạo nên những bản in đẹp không tưởng. Hóa ra cần phải có người đánh thức và cho mình biết mình có tài năng, hóa ra mình cũng có thể tạo ra được những bức tranh đẹp như nghệ sĩ thực sự từ lớp học này”.

Các lớp học của anh Nguyễn Công Nguyên không giới hạn người tham dự, có thể đó là người có hiểu biết cơ bản về mỹ thuật, cũng có thể đó là người chưa vẽ một bức tranh bao giờ… Nhưng nếu thích thì cứ đến thử đi, anh hướng mọi người tự do thể hiện cảm xúc của chính mình, để nghệ thuật gần gũi hơn.

Nguyên Trang

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/khac-tranh-doc-ban-734243.html