Khắc phục tình trạng ô nhiễm do sản xuất ở huyện Đan Phượng

(Chinhphu.vn) - Các ông Nguyễn Kim Thành và Bùi Gia Tình, đại diện các hộ dân Khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập và khu 7 Trạm Trôi, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội phản ánh về hoạt động sản xuất của Xí nghiệp Vật liệu Hóa chất thuộc Công ty CP Điện tử Tin học Hóa chất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.

Ảnh minh họa

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, các hộ dân đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp khắc phục tình trạng này.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của công dân, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng và UBND xã Tân Lập tiến hành làm việc với Công ty CP Điện tử Tin học Hóa chất.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội có ý kiến trả lời như sau:

Xí nghiệp Vật liệu Hóa chất thuộc Công ty CP Điện tử Tin học Hóa chất có xưởng sản xuất tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Xưởng có diện tích 12.968,1 m2 được xây dựng từ năm 2006 với hoạt động chủ yếu là sản xuất các hòm hộp, công trình bằng composite, mạ kim loại... phục vụ các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng.

Quá trình hoạt động, Công ty đã lập Đề án bảo vệ môi trường và được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 2192/QĐ-BQP ngày 23/6/2010. Công ty đã lập hồ sơ xin cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và nộp Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2012 và thực hiện giám sát môi trường định kỳ vào tháng 4/2013.

Theo đó, Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại ngày 23/5/2012 và ký Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp với Công ty TNHH Môi trường Phú Hà.

Giảm hoạt động vào ban đêm

Trước đó, theo phản ánh của các hộ dân, ngày 25/7/2012, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự làm việc với Ban quản lý dự án và đại diện các hộ dân khu đô thị Tân Tây Đô. Theo đó, Công ty đã có các biện pháp khắc phục sau:

- Phá bỏ kho chứa hóa chất sát bờ rào khu dân cư, đầu tư kinh phí thiết kế chế tạo bồn chứa axit có dung tích 5m3 bằng vật liệu đặc biệt, có hệ thống cấp axit bằng đường ống ngầm xuống bể nhúng đảm bảo không phát tán ra môi trường xung quanh.

- Sử dụng phụ gia ức chế chống bay hơi, chống độc cho các bể chứa dung dịch tẩy rửa.

- Tiến hành lập dự án thu khí thải từ lò mạ nhúng và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức lại sản xuất từ 3 ca cả ngày lẫn đêm thành 2 ca từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm để giảm ồn đến mức tối thiểu.

- Xí nghiệp vật liệu hóa chất vẫn đang tích cực đề xuất các phương án chuyển đổi ngành nghề, mục đích sử dụng đối với khu đất và di dời xưởng mạ, xưởng composite đến địa điểm mới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế và lấy mẫu phân tích môi trường tại Xí nghiệp Vật liệu hóa chất, Công ty cổ phần Điện tử Tin học hóa chất, ngày 5/12/2013 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu chất thải và không khí để trưng cầu giám định.

Tại thời điểm kiểm tra, phân xưởng mạ đang hoạt động bình thường, công suất hoạt động của xưởng mạ khoảng 2 tấn/ngày. Theo báo cáo, Công ty đã dừng sản xuất composite, hiện nay chỉ còn duy trì xường mạ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy 1 mẫu nước thải công nghiệp, 2 mẫu không khí xung quanh và 1 mẫu khí thải sản xuất. Kết quả phân tích do Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường thực hiện so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo ý kiến của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, từ khi Công ty giảm hoạt động vào ban đêm và chỉ hoạt động đến 22 giờ thì không còn nhận được đơn thư phản ánh của dân cư trong khu vực như thời gian trước.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/khac-phuc-tinh-trang-o-nhiem-do-san-xuat-o-huyen-dan-phuong/192581.vgp