Khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm

Không phải đến bây giờ mới có tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm việc mà tình trạng này có từ lâu, nhưng bùng phát thành vấn đề đáng quan tâm trong vài năm gần đây. Khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra thực thi chức trách đến đâu thì hàng loạt tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên ở đó sai phạm, bị xử lý, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Vì sao có tình trạng này? Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, có một số nguyên do chính sau:

Thứ nhất, là do bản thân cán bộ thiếu trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ; bản lĩnh chính trị không vững vàng; trách nhiệm kém; sợ sai, sợ bị xử lý, ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp. Đây là những biểu hiện suy thoái mà nhiều cán bộ, đảng viên không tự giác nhận diện, trong khi tổ chức quản lý cán bộ, đảng viên không nghiêm khắc chỉ ra.

Thứ hai, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù ngày càng đầy đủ, cụ thể hơn về mặt thể chế, cơ chế ở tầm vĩ mô nhưng vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể; chưa rõ nội dung công việc phải làm; chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm, việc phối hợp, cách thức tiến hành, quy trình, thủ tục thực hiện; thời gian thực hiện; trách nhiệm cụ thể; biện pháp bị xử lý đối với tập thể, cá nhân nếu không làm, làm không đúng, gây thiệt hại. Đây là lý lẽ chính mà cán bộ, đảng viên đưa ra để không làm, đùn đẩy trách nhiệm.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm, bất kể người đó là ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nhìn dưới góc độ của cán bộ, đảng viên thì đây là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm. Còn dưới góc độ tổ chức thì đây là lý do đối phó của cán bộ, đảng viên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

Thứ tư, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay không tiêu biểu, gương mẫu trong việc dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung. Nếu lãnh đạo sợ trách nhiệm, không dám làm thì còn bảo ai, lãnh đạo ai!

Thứ năm, hầu như chúng ta chưa xử lý cán bộ, đảng viên nào vi phạm về hành vi thiếu trách nhiệm, không dám làm mặc dù các quy định có liên quan của Đảng và Nhà nước có đầy đủ, cụ thể. Chúng ta thường nghe các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói trên bảo, dưới không nghe; trên nóng, dưới lạnh; ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm, nhưng không thấy chỉ ra địa chỉ cụ thể ở đâu, ai sợ trách nhiệm, ai không dám làm?

Với các lý do nêu trên có thể chưa đủ hoặc chưa sát với từng trường hợp cụ thể của cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm, nhưng trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mong đợi của nhân dân, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì không có lý do nào có thể biện minh cho sự thiếu trách nhiệm, không dám làm.

Chúng ta không thể nào quên gương hy sinh để cứu 2 người đuối nước của đồng chí Trương Hồng Kỳ - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Sông Cầu (Phú Yên); gương hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tại trạm cảnh sát giao thông Madagui (Lâm Đồng); gương dũng cảm cứu người trong hỏa hoạn của ông Nguyễn Hửu Đốn ở tỉnh Bình Thuận… Họ là cán bộ, đảng viên và người dân bình thường. Họ biết việc làm của mình nguy hiểm đến tính mạng nhưng không đắn đo suy nghĩ, vì bình an, hạnh phúc của người dân, họ hành động và hy sinh, tử nạn. Nếu xem báo, tin tức hàng ngày ta sẽ thấy còn rất nhiều những tấm gương sáng như thế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

Dưới suy nghĩ cá nhân, tôi xin góp một số biện pháp khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm việc như sau:

Đối với cán bộ, đảng viên khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Đảng không phải là tổ chức để thăng quan, phát tài; vào Đảng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc tự soi lại mình, biết sai, biết sửa triệt để. Cần khắc ghi và thực hiện lời thề khi được kết nạp vào Đảng, thực hiện đúng các nhiệm vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức mà mình đã cam kết.

Từng cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình gắn với thực thi nghiêm túc, có hiệu quả; luôn đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dám xả thân vì đất nước, quê hương; xây dựng động cơ làm việc trong sáng; luôn đặt lợi ích đất nước, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý phải thật sự tiêu biểu, gương mẫu trong nói đi đôi với làm và dám chịu trách nhiệm. Việc gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân thì chủ động, quyết tâm làm đến nơi, đến chốn. Việc gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể phải thông qua tập thể quyết định thực hiện. Việc gì chưa có chủ trương, quy định thì báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự hỏi mình nếu ta sợ trách nhiệm, không dám làm thì ai làm cho ta hay chờ các thế lực thù địch làm thay ta? Các thế lực thù địch sẽ cảm ơn vì khi đó ta đã là con người suy thoái, tiếp tay cho chúng, tạo ra nguy cơ cho Đảng, cho chế độ. Vậy thì cán bộ, đảng viên còn sợ trách nhiệm, không dám làm hãy chân thành học hỏi phần lớn cán bộ, đảng viên xung quanh mình đã và đang không sợ gian khổ, hy sinh, không nghĩ cho riêng mình để hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho đất nước bình yên, phồn vinh, hạnh phúc. Nếu vẫn còn tự thấy mình không đủ bản lĩnh chính trị, thiếu dũng khí, sợ trách nhiệm, không dám làm thì tự giác xin thôi làm cán bộ, đảng viên, chọn công việc khác phù hợp, để người khác xứng đáng hơn thay thế.

Đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức quản lý cán bộ, đảng viên cần sớm hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành với yêu cầu tiên quyết là quy định nội dung nhiệm vụ, công việc phải cụ thể; thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ phối hợp, cách thức tiến hành, quy trình thủ tục, thời gian thực hiện phải cụ thể; biện pháp xử lý nếu không thực hiện, thực hiện không đúng, gây thiệt hại... Tổ chức Đảng, cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên phải kịp thời nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị nêu trên của cán bộ, đảng viên để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ khắc phục, sửa chữa và nếu không sửa chữa được thì xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

NGUYỄN THANH PHONG

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/khac-phuc-tinh-trang-can-bo-dang-vien-so-trach-nhiem-16711.html