Khắc phục tiêu cực trong công tác tuyển dụng

Bãi bỏ một số thông tư về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức là bước quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính giảm gánh nặng đối với đội ngũ công chức, viên chức.

Chặt chẽ trong tuyển dụng để lựa chọn được những cán bộ hết lòng vì dân. Ảnh minh họa.

Chặt chẽ trong tuyển dụng để lựa chọn được những cán bộ hết lòng vì dân. Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Thông tư số 12/2023 bãi bỏ một số thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của công tác tuyển dụng, giải quyết một số vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn phát sinh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác tuyển dụng cần tiếp tục được nghiên cứu để đổi mới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và của pháp luật về xác định vị trí việc làm; khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định về cán bộ, công chức, viên chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ; cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và sửa đổi các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Trong số đó, có những nội dung lớn, tác động tới toàn thể đội ngũ như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức; sửa đổi quy định về các bước và nội dung các bước bổ nhiệm công chức, viên chức.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đưa ra nhận định trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, việc Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 thông tư là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ, đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Ông Đồng cũng cho rằng, tuyển dụng công chức là một trong những hoạt động quan trọng của một quốc gia để đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cần thiết cho người dân vì thế mà những kỳ tuyển dụng công chức luôn được xem xét, đánh giá và kiểm tra kỹ lưỡng.

Theo ông Đồng, việc tuyển dụng hiện thông qua hình thức thi tuyển và xét tuyển thì nên tiến hành theo hình thức thi tuyển để đảm bảo chất lượng.

Liên quan đến đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức khi đây cũng đang là các nội dung đang nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo đội ngũ công chức, viên chức và của các bộ, ngành, địa phương, ông Đồng cho rằng tuyển dụng công chức, viên chức thì nên thi tuyển để đánh giá chất lượng đầu vào. Còn thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thì nên bỏ là hợp lý để tăng quyền tự chủ.

“Đối với công chức, việc chia các hạng ngạch để quản lý, đãi ngộ là cần thiết nhưng không có nghĩa cứ đưa một người từ ngạch bậc này lên ngạch bậc kia thì phải thi. Do đó nên thi tuyển dụng công chức, viên chức. Còn nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thì không nên thi đại trà như hiện nay. Cho nên việc Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 thông tư được coi là một bước tiến lớn trong lộ trình cải cách hệ thống về mặt tổ chức nhân sự ở trong hệ thống nhà nước”- ông Đồng nhận định.

Cũng cho rằng trong tuyển dụng công chức, viên chức thì nên thi, ông Phạm Trường Dân (ĐBQH khóa XIII) nhấn mạnh, trong tuyển dụng thường có mối quan hệ nể nang, xuê xoa giữa người đi xin việc với người tuyển chọn. Nên có tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Do đó cần thi tuyển để đảm bảo tính khách quan, công tâm.

“Như Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tuyển một người thì họ tiến hành thi tuyển, không cần biết người ở địa phương nào. Chỉ tuyển người giỏi có kết quả cao nhất. Như vậy mới tuyển dụng được cán bộ giỏi. Đây là cách khu vực ngoài nhà nước đang áp dụng. Trong 500-700 người thi thì chỉ lấy có 10 người” - ông Dân dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, việc Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 thông tư là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ, đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khac-phuc-tieu-cuc-trong-cong-tac-tuyen-dung-5725625.html