Khắc phục kịp thời, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực

Sau 2 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã kết thúc đẹp, hoàn thành chương trình đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

Giải quyết khó khăn về y tế, giáo dục

Trong ngày đầu tiên diễn ra Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công hàng năm, làm rõ Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền ở trung ương giao cho Chính phủ, ở địa phương giao cho Hội đồng nhân dân. Muốn thay đổi thẩm quyền thì phải sửa Luật, và Bộ sẽ xem xét để có kiến nghị về vấn đề này.

Trả lời vấn đề chậm thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong nhiệm kỳ tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân. Như doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng” nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch, không hấp dẫn doanh nghiệp; phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá… Các bộ, ngành, doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Về các chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 17 ngày 15/6/2023 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, theo đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Các thôn nghèo, đặc biệt khó khăn ở trong xã không phải đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách và nâng mức vốn vay, đảm bảo tiền vay.

Nhấn mạnh quyền lợi của bệnh nhân và người tham gia bảo hiểm y tế phải đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết. Bộ Y tế đã họp bàn về vấn đề thanh toán cho người bệnh phải ra ngoài mua thuốc khi cơ sở y tế không đủ thuốc cung ứng. Về vấn đề lạm dụng xét nghiệm, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc áp dụng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ nhiều cho quá trình chẩn bệnh, điều trị và theo dõi sau điều trị. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều thiết bị tốt đã giúp bệnh nhân phát hiện bệnh từ ngay từ đầu, nhờ đó có cơ hội chữa bệnh tốt hơn. Thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường để có trang thiết bị tốt hơn phục vụ khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa qua, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế - là quỹ của toàn dân mà trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành là bảo đảm để Quỹ được phát triển, ổn định, phục vụ người dân. Bộ trưởng chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là do nhận thức, trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mới đây nhất, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua đã có nhiều quy định về vấn đề này, ngoài ra cũng có các thông tư quy định về các định mức kỹ thuật, trần thanh quyết toán, tăng cường giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông để kiểm soát chi phí.

Trả lời phần chất vấn của đại biểu liên quan đến việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra giải pháp không nên “cào bằng” việc giảm biên chế 10% giống nhau ở các địa phương; đồng thời có giải pháp về nguồn tuyển, chuẩn bị nguồn tuyển, đầu vào, để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển.

Nỗ lực cải cách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng. Trả lời các đại biểu về giải pháp trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới để đảm bảo các tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Lực lượng công an triển khai, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả 3 phương diện.

Để làm được điều đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức, làm trong sạch nội bộ. Ngoài ra, ngành công an tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản lý quản trị xã hội bằng pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chứ không phải gây khó khăn, nhũng nhiễu.

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, thực tế điều tra, quyết định đến truy tố, xét xử nghiêm đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, được thực hiện tốt. Việc này góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược. Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước tiên cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội….

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giải đáp những thắc mắc về vấn đề tiền lương tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, bởi vừa tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch COVID-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

Về giải pháp chấn chỉnh tình trạng cháy, nổ, Thủ tướng nêu rõ, làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng; tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt lưu ý vấn đề quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn, tiêu chí; sự tham gia và vào cuộc của người dân, của tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống cháy, nổ; hiện đại hóa các lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy...

Trước đề nghị của các đại biểu về giải pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế - xã hội, cũng như giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tiên là phải tạo sinh kế cho người dân. Muốn có việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực công nghiệp là chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động và làm tốt công tác an sinh xã hội

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn . Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một số nội dung chính cũng như những giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Đặc biệt, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…

Đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; có giải pháp đồng bộ để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện đồng bộ các chính sách, có giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu và chất lượng, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.

Các bộ, ngành, địa phương đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; từng bước khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng miền; ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; có giải pháp đột phá giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị; giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế; tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)…

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khac-phuc-kip-thoi-hieu-qua-nhung-ton-tai-han-che-trong-tung-linh-vuc-20231108195145268.htm