Khắc phục hạn chế của hệ thống thiết bị dạy học

Thiết bị dạy học (TBDH), đồ dùng dạy học là phương tiện đặc biệt quan trọng quyết định đến việc đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả quá trình dạy học, giúp cho việc tổ chức hoạt động của học sinh theo hướng tích cực, chủ động, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy nhiên, từ thực tế đầu tư, trang bị; việc khai thác, quản lý, sử dụng… hệ thống TBDH hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông.

Qua khảo sát thực tế và thống kê từ cơ quan chuyên môn, hệ thống TBDH tại các nhà trường, cấp học đã tương đối đầy đủ nhưng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng tối thiểu và thiếu tính đồng bộ, hiện đại. Đơn cử như ở một số đơn vị thực hiện đổi mới và dạy học ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ quốc gia, với sự đầu tư của các cấp, ngành đã có được hệ thống phòng học tiếng Anh đồng bộ với đầy đủ các trang thiết bị, như: máy vi tính được kết nối các thiết bị ngoại vi và cài đặt phần mềm phục vụ dạy học, thiết bị trình chiếu logitech được kết nối với máy tính để trình chiếu các bài giảng, cassette, đầu đĩa, loa di động…

Thời gian đầu, do sự tương thích, cộng hưởng của nhiều yếu tố về năng lực học sinh, trình độ giáo viên, sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị nên chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở những đơn vị này được đánh giá cao. Song, qua một vài năm sử dụng, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ngoại ngữ dần xuống cấp, hư hỏng. Việc sửa chữa các thiết bị hỏng hầu như không hiệu quả vì mức độ hỏng nặng và không có đồ thay thế. Không thể để học sinh học chay, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, nhiều nhà trường buộc phải có một số giải pháp tình thế, như: tự mua mới một số thiết bị, ghép các thiết bị còn dùng được tập trung vào một phòng. Mặc dù sự vận dụng ghép tạm thời, không đồng bộ này không thực sự hiệu quả, nhưng trong điều kiện thực tế của các đơn vị, như thế vẫn còn tốt hơn là để học sinh học chay.

Một giờ học môn Tin học của học sinh Trường Tiểu học A Kiện Khê (Thanh Liêm). Ảnh: Hà Trần

Bên cạnh đó, hệ thống phòng học Tin học trong các trường phổ thông hiện cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: hệ thống máy tính ở nhiều đơn vị trong tình trạng xuống cấp nặng; hầu hết các máy tính hỏng mô - đun đã qua sửa chữa nhiều lần, có cấu hình thấp không đáp ứng được yêu cầu dạy và học của môn học; số lượng học sinh nhiều hơn số máy còn sử dụng được nên giáo viên phải bố trí cho học sinh dùng chung, không bảo đảm yêu cầu giáo dục.

Tình trạng thiết bị và đồ dùng dạy học còn thiếu, không đồng bộ hiện đang xảy ra khá phổ biến tại các trường học, mới chỉ đáp ứng được không quá 50% nhu cầu thực tế, nhất là với các yêu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Có những trường, vào tiết học thực hành một số môn học, do thiếu dụng cụ thực hành nên thay vì chia học sinh thành các nhóm nhỏ, giáo viên phải lập các nhóm đông học sinh. Thời lượng mỗi tiết học có hạn, nhiều học sinh không được trực tiếp làm thực hành mà phải đứng quan sát các bạn là chính. Trong phòng thực hành của nhiều trường học, số thiết bị thực hành, thiết bị thí nghiệm có tính mới, hiện đại chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn thiết bị đều cũ kỹ, lạc hậu, hỏng hóc… Do điều kiện kinh phí chi thường xuyên và nguồn thu xã hội hóa trong nhà trường gặp nhiều khó khăn nên việc mua sắm bổ sung, thay thế mới cũng chỉ như muối bỏ bể, không có nhiều tác dụng. Một số trường học ở các địa bàn có nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện sống của người dân không cao, việc huy động xã hội hóa cho mua sắm, bổ sung, thay thế thiết bị và đồ dùng dạy học gần như không thực hiện được, phải trông chờ vào sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp trên. Cùng với đó, hiện các nhà trường còn bị ràng buộc, phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế mua sắm tập trung nên việc bổ sung mới, thay thế các thiết bị cũ, hỏng thực hiện chậm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.

Ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục cho rằng: Thiết bị, đồ dùng dạy học là một thành tố không thể thiếu trong quá trình dạy và học, là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của cải cách, đổi mới giáo dục bởi nó là phương tiện minh họa kiến thức, phương tiện nâng cao năng lực tư duy và rèn luyện năng lực thực hành cho học sinh. Việc đánh giá đúng thực trạng hệ thống trang thiết bị và đồ dùng dạy học trong các nhà trường hiện nay, có giải pháp hỗ trợ các nhà trường thay thế, bổ sung thiết bị phục vụ dạy và học đang rất cần có sự quan tâm từ nhiều phía.

Bên cạnh các yếu tố khách quan, cũng cần nhìn nhận lại những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng TBDH, như: một số đơn vị chưa có biện pháp chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện hướng dẫn kỹ năng sử dụng TBDH dẫn đến tình trạng còn lúng túng khi sử dụng, chưa khai thác hết các tính năng của thiết bị trong phục vụ các yêu cầu nội dung, phương pháp của bài học; việc chỉ đạo tự làm TBDH còn hạn chế, tần suất thực hiện ở mức độ trung bình; việc tham gia các khóa tập huấn, các buổi bồi dưỡng, trau dồi 59 kiến thức, kỹ năng sử dụng TBDH của giáo viên chưa hiệu quả; giáo viên phải mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị TBDH trước khi sử dụng vì việc tìm kiếm, sắp xếp TBDH chiếm nhiều thời gian trong khi thiếu nhân lực hỗ trợ chuẩn bị TBDH và các điều kiện cất giữ TBDH phân loại theo từng môn, từng loại còn khá nhiều hạn chế...

Nhằm cải thiện công tác quản lý sử dụng TBDH, khai thác tối đa vai trò của TBDH phục vụ tốt hoạt động giảng dạy và học tập, các nhà trường cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng tốt các chức năng của TBDH; tăng cường công tác lập kế hoạch sử dụng TBDH của mỗi giáo viên và các tổ chuyên môn phù hợp với kế hoạch năm học, theo tháng, tuần và theo phân phối chương trình; duy trì việc tổ chức phong trào tự làm TBDH phục vụ hoạt động dạy và học, sử dụng sáng tạo TBDH vào quá trình giảng dạy, khuyến khích giáo viên nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm về nội dung sử dụng có hiệu quả TBDH…

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/khac-phuc-han-che-cua-he-thong-thiet-bi-day-hoc-115500.html