Khắc khoải một thời 'Bên ven bờ Hiền Lương'...

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 là nơi chia cắt hai miền Nam-Bắc trong suốt gần 20 năm, từ 1954 đến 1973. Nhà văn Xuân Đức, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 270, đơn vị bảo vệ giới tuyến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, là tác giả một bài văn tế đầy xúc động, được đọc trong Lễ hội Thống nhất non sông lần thứ nhất, năm 2000.

Nhà văn Xuân Đức cũng là tác giả ý tưởng, kịch bản của lễ hội đó, nay đã được tổ chức thường niên vào dịp ngày lễ 30-4 hằng năm tại hai bờ sông Bến Hải (Quảng Trị) thu hút đông đảo người dân tham dự.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, người dân vẫn đi lại qua sông bằng một giấy thông hành. Gần 2 năm sau, chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu phá bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, phá bỏ tổng tuyển cử; bất ngờ thiết quân luật, đóng tuyến không báo trước, giấy thông hành không còn hiệu lực. Từ đây, những câu chuyện bi thương về tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ… trở thành chi tiết mà nhà văn Xuân Đức khai thác, sử dụng trong các tác phẩm văn học của ông và bài văn tế: “Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan/ Nọ là Văn Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt/ Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết/ Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương”...

Lễ thượng cờ tại Khu di tích lịch sử sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Ảnh: Trần Hoài

Đó là một đoạn trong bài văn tế Lễ hội thống nhất non sông khiến tôi vô cùng xúc động. Khi đọc những câu tế trên, tôi dường như cảm nhận được sự đau đớn, day dứt, nỗi nhớ thương, khắc khoải của một thời…

Theo hướng dẫn của nhà văn Xuân Đức, tôi tìm về xóm Xuân Hòa, xã Trung Hải nằm sát phía Nam cầu Hiền Lương. Người đàn bà “Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên” là bà Trần Thị Dĩnh, nay không còn, nhưng tôi được nghe nhiều người trong làng kể lại rằng: Nhà bà Dĩnh cách bờ sông Bến Hải khá xa. Hằng ngày, bà vẫn “đem áo ra sông mà giặt”. Thì ra, đó là lấy cớ ra giặt áo bờ sông, nhìn sang bờ Bắc để mong được nhìn thấy người chồng là chiến sĩ Công an vũ trang đứng gác bờ bắc cầu Hiền Lương. Có lần áo quần giặt đã sạch nhưng nhìn hoài chị Dĩnh vẫn không thấy hình bóng chồng mình là hạ sĩ Trần Ngọc Châu ở đâu, nên phải nấn ná ở lại, rồi để che mắt bọn cảnh sát ngụy bờ Nam, chị tiếp tục giặt lại số quần áo đã sạch. Giặt mãi, vẫn không thấy bóng dáng chồng mình đâu cả, lòng như lửa đốt, nên chị vò đi, xát lại đến mức “Áo mòn dạ vẫn trinh nguyên”.

Về thị trấn Cửa Tùng, tôi tìm gặp một ngư dân của Tập đoàn đánh cá miền Nam năm xưa, ông Trần Đình Chước, 82 tuổi, hiện ở khu phố Hòa Lý. Năm 1955, ông là một trong số ngư dân ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh vượt tuyến trốn sang miền Bắc thành lập Tập đoàn đánh cá miền Nam tại xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng). Số ngư dân này vợ con hầu hết đều ở lại phía Nam. Nhiều lần thuyền đi đánh cá về, họ dừng lại bến cảng Cửa Tùng chăng lưới phơi với thời gian dài dài để nhìn sang bờ Nam xem có thấy vợ con họ ra đứng đó ngóng nhìn, trông đợi hay không.

Vẫn theo sự chỉ dẫn của nhà văn Xuân Đức, tôi về chợ Do, xã Vĩnh Tân, gặp bà Phan Thị Hoa làm nghề bán bún. Bà Hoa là con gái của ông Phan Văn Đồng, nguyên nhân viên Trạm hải đăng Cửa Tùng ngày trước. Bà Hoa kể: Những ngày ấy chiều chiều sau giờ làm việc cha bà hay ra đứng tựa gốc dừa bên bờ sông nhìn về hướng Nam để phần nào vơi đi nỗi nhớ vợ, con. Nghe đâu, lúc đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp đi thực tế biết được câu chuyện trên, để từ đó nuôi cảm hứng viết nên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Lời bài hát lúc thì nhớ nhung da diết “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê”; lúc thì nức nở hy vọng “Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi”; để rồi khẳng định một chân lý tình yêu bất diệt “Dù cho bến cách sông ngăn, dễ gì chặn được duyên anh với nàng”.

Ngoài những nhân vật tôi dẫn trong khổ văn tế trên, những khổ tiếp theo trong bài văn tế nhà văn Xuân Đức còn nêu lên nhiều bà mẹ, chiến sĩ, dân quân đôi bờ Hiền Lương đã quên mình chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp thống nhất non sông mà trong bài viết ngắn này không thể kể hết. Nhưng từng đó cũng đủ nói lên nỗi đau chia cắt một thời và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc ta mãnh liệt chừng nào.

THU NGA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khac-khoai-mot-thoi-ben-ven-bo-hien-luong-505831