Khả năng truyền đạt của HLV Troussier có vấn đề

Bốn năm sau khi chỉ ra vấn đề truyền đạt khiến các HLV Việt Nam không thể triển khai lối chơi, ông Troussier đang gặp vấn đề tương tự ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam.

Thời điểm còn dẫn dắt U19 Việt Nam năm 2020, HLV Philippe Troussier từng đánh giá việc thiếu khả năng truyền đạt là vấn đề khiến các HLV Việt Nam không thể xây dựng lối chơi kiểm soát bóng như mong muốn. Nhà cầm quân người Pháp cũng chỉ ra hậu quả của vấn đề này là trận đấu trở nên mất kiểm soát và có chiều hướng bạo lực.

“Tôi đã trao đổi với một số HLV Việt Nam. Họ chia sẻ triết lý giống tôi, muốn xây dựng lối chơi triển khai bóng từ sân nhà. Tuy nhiên, họ chưa có kinh nghiệm hoặc chưa đủ kiến thức để truyền tải đến cầu thủ. Ban đầu họ có rất nhiều ý tưởng, nhưng sau đó không thể truyền tải đến cầu thủ nên trận đấu xoay theo hướng khác. Nhiều đường bóng dài hơn, nhiều pha bóng thô bạo hơn. Các trận đấu hiện quá nhiều pha bóng quyết liệt quá mức, thậm chí thô bạo vì cầu thủ di chuyển không đúng ý đồ chiến thuật. Khi bạn biến trận đấu trở thành những cuộc đấu tay đôi, thì đó là quyền anh rồi” – HLV Philippe Troussier cho hay trong cuộc phỏng vấn trên VTV.

Khuất Văn Khang "đấu võ" với cầu thủ Iraq rồi nhận thẻ đỏ. (Ảnh: Reuters)

Bốn năm sau phát ngôn trên, HLV Philippe Troussier đang trải nghiệm những trận đấu mất kiểm soát và có chiều hướng bạo lực ở ĐT Việt Nam.

Trong 3 trận đấu tại Asian Cup 2023, ĐT Việt Nam nhận 2 thẻ đỏ, chịu 3 quả phạt đền, toàn thua 3 trận và bị loại sớm 1 lượt đấu.

Trước đó, ĐT Việt Nam đã nhận 2 thẻ đỏ trong chuỗi trận giao hữu hồi tháng 10/2023 bên cạnh 10 bàn thua và 0 bàn thắng.

Hai chuỗi thành tích trên kết hợp với loạt trận vòng loại World Cup 2026 hồi tháng 11/2023 tạo nên một chuỗi thành tích thua 8, thắng 1, nhận 21 bàn thua, 4 thẻ đỏ, ghi 7 bàn thắng của ĐT Việt Nam.

Sau gần 1 năm làm việc, ông Troussier vẫn chưa thể định hình lối chơi rõ nét cho cả ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam. Trong khi các cầu thủ liên tục mắc sai lầm cá nhân và nhận thẻ phạt không đáng có.

Điều này không khớp với những gì ông Troussier vẫn thể hiện trên sân tập và trong những buổi họp đội.

Phong cách truyền đạt máu lửa của HLV Troussier không khớp với sự thể hiện của các đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Ông Troussier liên tục gào thét, thậm chí sẵn sàng lao vào kéo áo, huých vai cầu thủ để thị phạm trong những buổi tập được miêu tả là “cực kỳ tỉ mỉ và đặt ra yêu cầu rất cao”. Tuy nhiên, màn trình diễn của các các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier chưa thể tạo ra sự hứng khởi trong mắt khán giả và thành tích trên giấy tờ.

Ông Troussier cũng thực hiện rất nhiều bài diễn thuyết hùng hồn trước các cầu thủ. Ông luôn sắm vai người nhìn thấy những thứ không ai thấy. Ông nhìn ra nỗi lo khi ĐT Việt Nam thắng ĐT Palestine 2-0 và thấy tín hiệu tích cực từ trận thua ĐT Hàn Quốc 0-6. Kèm theo đó là những thông điệp “phải cố gắng mọi hoàn cảnh” hay “ai không sẵn sàng có thể ra về”.

Thế nhưng, nhà cầm quân người Pháp không thể đặt các cầu thủ vào trạng thái thi đấu lý tưởng “trái tim nóng, cái đầu lạnh”.

Khi thực chiến trên sân, khả năng truyền đạt của HLV Philippe Troussier cũng lộ vấn đề.

Tại bán kết SEA Games 32, ông Troussier đã liên tục ra yêu cầu các cầu thủ chơi chậm lại nhưng U22 Việt Nam vẫn nóng vội lao lên tấn công trong thế hơn người để rồi nhận bàn thua 2-3 trước U22 Indonesia ở phút bù giờ.

Trong trận đấu cuối cùng ở Asian Cup 2023, ống kính cũng liên tục chiếu cảnh HLV Philippe Troussier ra sát đường biên chỉ đạo cầu thủ. Thế rồi, ĐT Việt Nam lại mắc sai lầm và thua ĐT Iraq 2-3 ở những giây cuối cùng.

Những lời nói HLV Philippe Troussier truyền tải tới các cầu thủ còn cách xa hai chữ “hiệu quả”, hệt như lối chơi mà ông đang xây dựng ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-thao/kha-nang-truyen-dat-cua-hlv-troussier-co-van-de-post1074431.vov