'Khả năng răn đe hạt nhân' của Nga được bảo vệ như thế nào?

Với vai trò là các thành phần chính trong lực lượng răn đe hạt nhân của Nga, các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars, Sarmat và Topol-M cần được bảo vệ đặc biệt. Để đảm bảo an toàn của các đơn vị ICBM, Bộ Quốc phòng Nga cũng có những biện pháp riêng để đảm bảo các xe phóng ICBM luôn an toàn và sẵn sàng đáp trả đích đáng những kẻ tấn công. Trong thực tế, các đơn vị Yars, Sarmat và Topol-M có hẳn một lực lượng bảo vệ tinh nhuệ với phương tiện chiến đấu được thiết kế đặc biệt.

ICBM cơ động của Nga rất dễ tổn thương

Hiện tại, hầu hết lực lượng răn đe hạt nhân phản ứng nhanh của Nga là các đơn vị ICBM cơ động đặt trên các dòng xe đặc chủng có tính cơ động cao, còn đòn tấn công chiến lược chính là các đơn vị ICBM giếng phóng. Nhờ đặt trên các dòng xe siêu trường, ICBM cơ động có khả năng lẩn tránh đòn tấn công của đối thủ để tung ra các đòn tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, chúng cũng có yếu điểm chí tử.

ICBM cơ động sẽ tung ra các đòn tấn công nhanh và chính là đơn vị tung ra đòn tấn công phủ đầu trong chiến tranh hạt nhân.

Đối với ICBM giếng phóng cố định, để phá hủy nó, đối phương sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nặng hoặc các đầu đạn xuyên phá bongke. Trong khi đó, đối với các ICBM di động, chỉ cần một nhóm đặc nhiệm trang bị vũ khí chống tăng vác vai hoặc mìn chống tăng tấn công phục kích đã có thể vô hiệu hóa. Chính vì điều này, ICBM cơ động cần lực lượng bảo vệ đặc biệt để duy trì “không gian sinh tồn”.

Đảm bảo khả năng sống sót cho các đơn vị ICBM

Để các đơn vị ICMB Yars, Sarmat và Topol-M “bất khả xâm phạm”, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga luôn duy trì lực lượng hộ tống tinh nhuệ với phương tiện chiến đấu đặc biệt như trong các bộ phim viễn tưởng.

Một trong những phương tiện chiến đấu đặc biệt được thiết kế chuyên biệt để bảo vệ các đơn vị ICBM đó là xe trinh sát bọc thép Typhoon-M. Phương tiện chiến đấu này đảm bảo ngăn chặn các đợt tấn công đột kích của đối phương nhằm vào các đơn vị ICBM di động, cũng như ICBM giếng phóng.

Xe bọc thép trinh sát Typhoon-M.

Với súng máy tự động 7,62mm điều khiển từ xa và hệ thống trinh sát kết hợp giữa ra-đa, kính ngắm quang-hồng ngoại, Typhoon-M có thể phát hiện ra phương tiện chiến đấu ở khoảng cách 6km, binh sĩ đặc nhiệm của đối phương ở 3km. Đó là khoảng cách cần thiết để lực lượng hộ tống ICBM đưa các phương án ngăn chặn đối phương tiếp cận.

Ngoài ra, Typhoon-M cũng mang theo các đơn vị máy bay không người lái để mở rộng tầm giám sát hoặc thiết bị quét mìn để ngăn chặn các vụ tấn công bằng thiết bị nổ điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Typhoon-M có đầy đủ phương tiện đối phó lại các cuộc phục kích, đột kích trên bộ của đối phương nhằm vào lực lượng răn đe chiến lược của Nga.

ICBM Nga có thể bị tấn công bằng tên lửa hành trình?

Theo học thuyết “Tấn công nhanh toàn cầu” (PGS) của Mỹ, tất cả các mục tiêu trên toàn cầu đều có thể là mục tiêu của tên lửa hành trình trong vài giờ. Tuy nhiên, điều này không đúng với lực lượng Tên lửa chiến lược Nga.

Mọi đòn tấn công nhằm vào lực lượng Tên lửa chiến lược Nga đều bị đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

“Truyền thông quốc tế thường bị huyễn hoặc bằng việc khả năng răn đe hạt nhân của Nga sẽ bị vô hiệu hóa bởi PGS và chúng ta sẽ không còn gì để đáp trả. Điều đó chỉ xảy ra trong “chuyện cổ tích”! Theo học thuyết hạt nhân của Nga, bất kỳ vụ tấn công thông thường hoặc hạt nhân nhằm vào lực lượng Tên lửa chiến lược đều bị đáp trả ngay tức thì bằng vũ khí hạt nhân ở quy mô toàn cầu. Đó chính là lý do chưa ai dám liều mạng tấn công lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga”, chuyên gia quân sự Nga Viktor Yesin nhận định.

Mặt khác, trên thế giới không có quốc gia nào có đủ năng lực đánh gục lực lượng hạt nhân chiến lược Nga chỉ bằng đòn tấn công phủ đầu. Ngay khi tấn công, đối phương sẽ bị đáp trả gần như tức thì bằng ICBM Yars. Với tầm bắn 12.000km (tiếp cận mọi vị trí trên Trái Đất); mang 3-6 đầu đạn hạt nhân 300 Kilotone có khả năng cơ động quỹ đạo; sai số tấn công chỉ khoảng 150m, Yars đảm bảo chùn tay mọi đối thủ, mà chưa cần tới các đòn tấn công hạt nhân hạng nặng sau đó

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/kha-nang-ran-de-hat-nhan-cua-nga-duoc-bao-ve-nhu-the-nao-517943