Kết thúc giải quần vợt Việt Nam 2023: Khoảng trống mênh mông

Có quá nhiều điều để nói và đáng nói về một tương lai không tươi sáng cho quần vợt Việt Nam (QVVN) sau khi Giải vô địch quốc gia 2023 kết thúc.

Tham dự giải có 184 vận động viên thuộc 17 đoàn: CLB Hải Đăng Tây Ninh, TP.HCM, Quân đội, Hà Nội CLB TPS, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn La, Đà Nẵng, CLB Quang Hạnh Nha Trang, CLB Thành Công Đắk Lắk, Becamex Bình Dương, Sóc Trăng, Đồng Nai, Vĩnh Long. Trong đó, 59 tay vợt thi đấu nội dung đơn nam, 29 tay vợt tranh tài nội dung đơn nữ và 24 đôi nam, 12 đôi nữ, 12 đôi nam nữ thi đấu các nội dung đôi.

Chung vui với Vũ Hà Minh Đức, nhưng rất buồn cho QVVN

Sau khi lần lượt vượt qua Đinh Viết Tuấn Minh (TP.HCM), Phạm La Hoàng Anh (CLB Hải Đăng Tây Ninh - HĐTN), Trương Vinh Hiển (TP.HCM), tay vợt Việt kiều Adrian Correa (TP.HCM), Minh Đức đã vô địch một cách xứng đáng khi thắng cách biệt Từ Lê Khánh Duy (Thành Công Đắk Lắk) với tỉ số 2-0 (6/1, 6/3).

Đây là danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên của Minh Đức khi anh 20 tuổi và là hạt giống số 2 của giải. Thế nhưng Lý Hoàng Nam đã vô địch Việt Nam khi mới 15 tuổi, đồng thời truất ngôi vua của tượng đài QVVN khi đó là Đỗ Minh Quân. Còn Đức đăng quang khi giải thiếu vắng 2 tay vợt hàng đầu Việt Nam là Lý Hoàng Nam và Trịnh Linh Giang.

Sẽ thiếu sót rất lớn nếu không cảnh báo hiện tượng bỏ cuộc giữa trận đấu của các tay vợt nam hạt giống của giải. Đó là hạt giống số 1 Phạm Minh Tuấn (TP.HCM). Ở trận tứ kết, sau khi thua Khánh Duy 1/6 và bị dẫn 1/0 ở ván hai, Tuấn đã bỏ cuộc. Cũng ở vòng tứ kết, hạt giống số 4 Nguyễn Đắc Tiến (Hà Nội) sau khi thắng 7/6 rồi thua 2/6 và bị dẫn 1/0 ở ván 3 quyết định, Tiến 24 tuổi đã bỏ cuộc trước đối thủ Hoàng Thành Trung… 40 tuổi!

Đáng nói hơn nữa là sau đó Minh Tuấn - Minh Phát đã vô địch nội dung đôi nam, nghĩa là Minh Tuấn không có tinh thần, thái độ của một VĐV chuyên nghiệp: bỏ cuộc, dành sức thi đấu nội dung khác.

Nhưng buồn hơn hết khi QVVN hiện nay chỉ có 3 tay vợt có tên trên bảng xếp hạng của Hiệp hội Quần vợt nhà nghề thế giới (ATP) là Hoàng Nam, Linh Giang và Minh Đức. Dù xếp hạng 1.981 ATP, nhưng Minh Đức vẫn vô địch Việt Nam!

Thực tế này phản ánh các tay vợt nam cũng như nữ của QVVN chỉ quanh quẩn thi đấu trong nước khi không có tay vợt nữ Việt Nam nào có mặt trong bảng xếp hạng nhà nghề của nữ (WTA).

Bệnh thành tích, lợi đâu không thấy chỉ thấy hại

Ngoại trừ HĐTN hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách tư nhân, cụ thể là từ sự hỗ trợ hết lòng của ông Thái Trường Giang, Chủ tịch CLB Quần vợt HĐTN, còn lại tất cả đều lệ thuộc ngân sách nhà nước. Sự ràng buộc sống còn này đã khiến cấp quản lý ở một số nơi chạy theo thành tích ở các giải đấu trong nước, đặc biệt là giải vô địch quốc gia, giải đỉnh cao của QVVN.

Kết thúc giải đấu, đoàn Quân đội xếp nhất toàn đoàn khi vô địch 3/5 nội dung, trong đó tay vợt Việt kiều Demi Trần đã đóng góp 50% khi vô địch đơn nữ, và cùng Sĩ Bội Ngọc vô địch đôi nữ.

Việc kêu gọi sự đóng góp trên mọi lĩnh vực cho Việt Nam từ kiều bào là chính sách cần nhân rộng. Nhưng với riêng lĩnh vực thể thao, tài năng của các VĐV Việt kiều phải vượt trội so với các VĐV trong nước, vì đội tuyển Việt Nam rất cần nguồn lực này để hướng đến thành tích cao ở các giải quốc tế.

Tuy nhiên, Demi Trần từng thi đấu cho Bình Dương rồi qua TP.HCM và nay là Quân đội, nhưng chưa một lần thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Đâu chỉ có Quân đội, TP.HCM cũng có nguồn lực Việt kiều là Adrian Correa, nhưng anh đã thua Minh Đức 0-2 (4/6, 4/6) ở bán kết, cũng như tay vợt của TP.HCM vào chung kết đơn nữ là Sophia Huỳnh Trần Ngọc Nhi chứ không phải tay vợt Việt kiều Natasha.

Với 3 trường hợp Demi Trần, Adrian Correa, Natasha, hai đoàn Quân đội, TP.HCM dường như chỉ nghĩ đến cái lợi cho riêng mình ở giải trong nước vì áp lực thành tích như đã nói ở trên? Trong khi đó, QVVN qua giải vô địch quốc gia chẳng được gì trước sự tham gia của các tay vợt Việt kiều có trình độ như thế.

CLB Hải Đăng, mô hình để QVVN thay đổi tư duy quản lý, điều hành

Khác với phần còn lại của QVVN, CLB HĐTN hoạt động theo mô hình xã hội hóa hoàn toàn, không phụ thuộc ngân sách nhà nước. Họ có thể chủ động và tự quyết chiến lược đầu tư, phát triển của CLB nói chung và từng VĐV nói riêng. Quan điểm của CLB HĐTN rất rõ ràng: không chạy theo thành tích các giải trong nước, tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV tài năng thi đấu quốc tế, từ các giải trẻ cho đến chuyên nghiệp của ITF và ATP.

Đó là lý do 3 tay vợt có thứ hạng ATP là Hoàng Nam, Linh Giang và đương kim vô địch Việt Nam Minh Đức đều thuộc CLB HĐTN. Hiện nay, CLB HĐTN đã và đang đầu tư tay vợt 17 tuổi Phạm La Hoàng Anh - VĐV được đánh giá là niềm hy vọng tương lai của QVVN.

Với CLB HĐTN, VĐV quần vợt là phải có điểm ITF (trẻ), ATP (chuyên nghiệp nam) và WTA (chuyên nghiệp nữ). Có trở thành VĐV giỏi, khẳng định được tài năng ở các giải quốc tế thì mới có thể đóng góp tốt nhất khi khoác chiếc áo đội tuyển Việt Nam.

Tuy có hướng đi riêng nhưng CLB HĐTN luôn có mối quan hệ tốt với các CLB tỉnh thành trên khắp cả nước cũng như với liên đoàn, Cục TDTT, đơn giản vì làm gì thì làm, dù có sự khác biệt đến đâu thì mục tiêu của HĐTN vẫn là đóng góp cho sự phát triển của QVVN.

QVVN chưa thoát ra khỏi tầm khu vực là do cách điều hành cũng như cách chúng ta nhận định về quần vợt. Làm sao thoát được nghịch cảnh này là cả câu chuyện dài mà tất cả các bộ máy liên quan, đặc biệt là bộ máy lãnh đạo cần ngồi lại với nhau, cần thiết là tổ chức những buổi hội thảo toàn quốc để tìm giải pháp tốt nhất cho QVVN.

Nếu không nỗ lực thay đổi thực trạng, QVVN chắc chắn sẽ rơi lại phía sau, khi phía trước là một cả một vùng trời mênh mông trống vắng tài năng!

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ket-thuc-giai-quan-vot-viet-nam-2023-khoang-trong-menh-mong-208191.html