Kết quả thực hiện lưu trữ, bảo vệ hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành

Tại xã Mỹ Thành (Lạc Sơn), Sở VH-TT&DL vừa tổ chức hội nghị thông báo kết quả thực hiện các bước lưu trữ, bảo vệ các hình khắc trên đá tại suối Cỏ, xóm Rậm, xóm Chum Bùi, xã Mỹ Thành.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL phát biểu đánh giá các giá trị của hình khắc trên đá tạị hội nghị.

Suối Cỏ là một nứt gãy khá lớn nhận nước từ nửa phía Đông Nam của sơn khối, nơi giáp ranh giữa 2 huyện Lạc Sơn và Kim Bôi (các xã Mỹ Thành và Cuối Hạ). Phần lớn diện tích thung lũng có bãi đá khắc hình, độ rộng ước chừng 300 -150 m, phân bố ở độ cao 10 m so với mặt nước hiện tại, kéo dài khoảng 1.200 m, hiện nay được khai thác tạo thành các thềm ruộng bậc thang trồng lúa thấp dần về phía Đông, cao hơn về phía Tây, Bắc. Mật độ đá lăn nhô trên mặt ruộng cũng như dưới lòng suối đạt khoảng 10 - 30%, dày đặc hơn ở lòng suối.

Cho đến nay mới phát hiện 2 khối đá lăn có hình khắc nằm cách nhau khoảng 25 m (đường chim bay). Cả hai khối đá này đều thuộc loại đá lăn dạng granite tướng "ngưu, tượng” (trâu, voi), có kích cỡ lớn khoảng trên dưới 5 m3, đều ở thế chân ngập nước rìa phía Đông của con suối. Khối A có 1 hình khắc lớn. Khối B có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập. Tại 2 khối đá với 5 đồ án, trong đó rõ nét mới chỉ thấy 3, còn 2 khá mờ chưa nhận ra. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người, phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc.

Cách 2 khối đá lớn có hình khắc khoảng 50 m. Phần hở lên khỏi mặt đất có hình như một con cá lớn nằm hở lưng trên mặt ruộng, chiều dài 125 cm, rộng nhất hiện trên mặt ruộng 60 cm. Điểm độc đáo đáng chú ý nhất là trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đường kính miệng hốc khoảng 6 - 9 cm. Tạo hình tự nhiên khiến tưởng tượng như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất.

Để thực hiện các bước lưu trữ, các chuyên gia đã đổ khuôn silicon lấy mẫu các hình khắc trên đá, phủ keo bảo quản hình khắc tại chỗ và đã cho ra 2 phiên bản chất liệu composite; định vị tọa độ GPS và sa bàn hóa bằng 3D - Flycamera. Hiện nay, các phiên bản đã được hoàn thiện và chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh để lưu giữ, bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

Phát hiện hình khắc trên các khối đá granite ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành có ý nghĩa rất lớn đối với nghiên cứu tiền sử, lịch sử của huyện, tỉnh và của đất nước, thậm chí có ý nghĩa quốc tế. Đây là những hình khắc không phải tùy tiện mà có ý thức và kỹ năng rất rõ ràng, liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh, nơi phân bố nhiều di tích gốc của Văn hóa Hòa Bình có niên đại trên 20 nghìn năm trước.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/170823/ket-qua-thuc-hienluu-tru,-bao-vehinh-khac-tren-da-tai-suoi-co,-xa-my-thanh.htm